Việc TPHCM “thất thủ” toàn tập, bị ngập lụt nặng nề chưa từng có sau cơn bão số 9 đã phơi lộ quá nhiều bất cập của một đại đô thị (Megacity) với khoảng 13 triệu dân trên thực tế.
Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo vấn nạn nhãn tiền của một đại đô thị phát triển quá nóng như TPHCM. Và mấy ngày qua, một trong những vấn nạn ấy đã ập đến: Nước không có lối thoát bởi không có không gian dành cho nước!
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện hệ thống cống thoát nước trong phạm vi 650 km2 chỉ xây mới và cải tạo được 2.593/6.000 km, tức đạt khoảng 40%; hệ thống sông, kênh, rạch thoát nước cũng mới cải tạo được 60,3km/4.369 km, đạt khoảng 1,38%.
Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn : “Chúng ta chưa quy hoạch không gian cho nước và những khu vực ngập nhất hiện nay là nơi đã bị bê tông hoá, lấp hồ, kênh rạch với mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian cho nước, không gian xanh, mặt nước, hồ điều tiết”. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân liên quan ý thức của người dân. Đó là nạn xả rác bừa bãi đã làm nút chặt các miếng cống thoát nước khi mưa về.
Tắc nghẽn trong giao thông, ngập lụt nặng nề khi mưa lớn, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, quá tải trầm trọng hạ tầng cùng hàng loạt các vấn đề khác về trật tự, an sinh xã hội… là những hệ lụy mà các đại đô thị như TPHCM hay Hà Nội và nhiều thành phố khác trên thế giới đang phải đối mặt.
Được biết, hiện TPHCM cũng đang xúc tiến lập dự án xây dựng thành phố thông minh, một xu thế phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại trên thế giới thời cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thiết nghĩ để xây dựng thành phố thông minh, trước tiên phải dựa trên nền tảng của một thành phố được quy hoạch khoa học, nghiêm túc và chặt chẽ về mọi phương diện, trong đó có xây dựng, giao thông, kiến trúc, cấp thoát nước, dân số… Còn quá nhiều việc phải làm trước khi có được một thành phố thông minh theo đúng nghĩa.
Thêm một “gót chân Asin” trong phát triển nóng của TPHCM phơi lộ qua trận ngập lụt lịch sử vừa qua, ngoài thiên tai còn có lỗi không nhỏ của “nhân tai”, tức do chính chúng ta gây ra.