Thí điểm bảo hiểm sản xuất cho nông dân

Thí điểm bảo hiểm sản xuất cho nông dân
TP - Dự thảo thông tư về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với cây lúa, chăn nuôi, thủy sản mà Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện, ưu tiên nông dân nghèo, cận nghèo với mức hỗ trợ phí bảo hiểm từ 80% đến 100%.

> Khi nông dân làm lá chắn

Theo dự thảo thông tư, đợt thí điểm bảo hiểm (BH) nông nghiệp được áp dụng trong giai đoạn 2011-2013 cho 20 tỉnh, thành như quyết định 315 của Thủ tướng trước đó.

Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nông, ngư dân; chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiêp, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BH nông nghiệp. Hộ nông dân nghèo được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn phí tham gia BH; cận nghèo được hỗ trợ 80%; các hộ còn lại được hỗ trợ 60%; còn tổ chức tham gia được hỗ trợ 20%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết, ban chỉ đạo của Bộ đã thống nhất với các đơn vị BH về quy mô để áp dụng. Đối với cây lúa nước, các tỉnh nằm trong danh sách tham gia chọn 3 huyện/tỉnh, và áp dụng BH trên toàn huyện đó.

Riêng gia súc, gia cầm sẽ chọn mỗi tỉnh 3 huyện, mỗi huyện lấy 3 xã để áp dụng thí điểm BH. Còn nuôi trồng thủy sản cũng áp dụng theo phương thức mỗi tỉnh lấy 3 huyện, mỗi huyện 3 xã, tuy nhiên, sẽ hạn chế vùng nuôi.

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, người sản xuất tham gia BH phải báo cho chính quyền xã, sau đó, chính quyền xã có trách nhiệm báo cho cơ quan bảo hiểm, để thực hiện mức hỗ trợ theo quy định. Nếu lúa bị mất trắng; gia súc, gia cầm, thủy sản bị tiêu hủy toàn bộ sẽ được bồi thường 100%.

Tránh bỏ rơi nông dân nghèo

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3-6, đại diện của nhiều địa phương cho biết, cần sửa đổi, bổ sung một số điểm. Ông Nguyễn Trọng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định, cho rằng, cần bổ sung về loại thiên tai, như lốc xoáy, mưa đá, đồng thời, thêm bệnh lùn sọc đen (loại bệnh phổ biến trên cây lúa hiện nay).

Một ý kiến khác cho rằng, cần thêm loại thiên tai khác là sóng thần, nắng nóng. Theo ông Hoan, dự thảo thông tư nêu diện tích lúa bị thiệt hại hơn 25% sẽ được hưởng bảo hiểm, như vậy là quá cao với nông dân, chỉ nên là 15%.

Ông Bùi Như Ý (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc) nói rằng, theo dự thảo thông tư, hộ tham gia bảo hiểm phải có trình độ sản xuất trung bình trở lên trong vùng; tuy nhiên, với hộ nghèo (trong diện được tham gia thí điểm BH) thì khó được ở mức trung bình. “Hơn nữa, thông tư nói mất trắng thì được BH đền 100%, còn mất trộm, cũng là mất trắng đấy, có được đền bù không, cái này phải làm rõ”, ông Ý nói.

Lĩnh vực chăn nuôi là xương nhất, vì rủi ro hơn so với trồng trọt. Giữa nuôi quy mô lớn và nhỏ, nếu làm không khéo sẽ hướng việc thí điểm vào quy mô lớn nên có thể đối tượng nghèo bị loại ra. Còn nếu làm rộng, làm tất cả, thì khả thi lại rất khó, nhất là các đơn vị BH.

Hướng tới nông dân sản xuất hàng hóa, đương nhiên chúng ta phải hướng tới sản xuất quy mô lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài chính và đơn vị BH để tìm ra hướng tốt nhất, đưa vào thông tư, dự kiến hoàn thành trước ngày 1-7”, ông Hùng nói.

* Theo dự thảo Thông tư các đối tượng được áp dụng bảo hiểm là: cây lúa nước, chăn nuôi bò sữa, bò thịt; trâu bò cày kéo; lợn thịt; gà đẻ, gà thịt, nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng).

* Ba đơn vị được chỉ định thí điểm là Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Cty CP Bảo Minh; Tổng Cty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG