Ngày 10/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố quân đội nước này đã giải phóng thành phố Mosul khỏi sự chiếm đóng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, kết thúc chiến dịch kéo dài hơn 8 tháng và chấm dứt 3 năm IS chiếm giữ thành phố này. Thủ tướng al-Abadi nhận định: nhiệm vụ khó khăn trước mắt là ổn định, tái thiết Mosul và loại bỏ các nhóm phiến quân có quan hệ với IS. Thất bại của IS ở Mosul cũng làm dấy lên những quan ngại về khả năng tổ chức khủng bố này vươn sang khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Lệnh ngừng bắn ở một số khu vực thuộc Tây Nam Syria chính thức có hiệu lực vào lúc 12h ngày 9/7. Thỏa thuận này được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thống nhất trong cuộc gặp ngày 7/7 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức). Đây có thể được coi là một diễn biến tích cực giúp thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại quốc gia này. Ảnh: Reuters
Ngày 14/7, vòng hòa đàm thứ 7 về Syria do LHQ bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ, đã kết thúc mà không có được bước đột phá nào. Các bên vẫn chưa đưa ra những quan điểm rõ ràng và thực chất về 4 vấn đề trọng tâm, bao gồm một bản hiến pháp mới, quyền điều hành đất nước, các cuộc bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Reuters
Donald Trump Jr. – con trai Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/7 đã công bố những bức ảnh ghi lại chuỗi email trao đổi giữa ông với Rob Goldstone - một công dân Nga. Nội dung loạt e-mail cho thấy Goldstone nói với Trump Jr. rằng "một công tố viên hoàng gia Nga" (chức vụ không có thật) đã đề nghị "cung cấp cho chiến dịch của ông Trump một số tài liệu và thông tin chính thức có thể dùng để buộc tội bà Hillary và về mối quan hệ của bà với Nga”. Đáp lại lời mời gọi của Goldstone, con trai ông Trump tỏ ra vui mừng khi biết “Nga đang hỗ trợ cha mình” trong cuộc bầu cử. Trước bê bối mới này, Tổng thống Trump cho biết: "Con trai tôi là một người có phẩm chất tốt. Tôi hoan nghênh sự trung thực của con trai tôi." Ảnh: Reuters
Giữa lúc cả thế giới đang dồn sự chú ý vào vụ bê bối của con trai, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân lên đường thăm chính thức Pháp ngày 13/7 và dự lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp ngày 14/7 theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong các cuộc hội đàm giữa Trump và Macron, hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận về các vấn đề nổi bật như quan hệ đồng minh chiến lược, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giải pháp về Syria... Ngày 13/7, sau cuộc gặp với Tổng thống Macron, Tổng thống Trump khẳng định mối quan hệ giữa hai nước là “không thể bị phá vỡ”. Ảnh: CNN
Ngày 14/7, Pháp tổ chức duyệt binh tại thủ đô Paris để kỷ niệm 228 năm ngày Quốc khánh. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania là khách mời danh dự trong lễ duyệt binh này. Cuộc duyệt binh năm nay có sự tham gia của 3.575 binh sĩ Pháp cùng nhiều chiến đấu cơ, xe tăng và thiết bị quân sự hiện đại. Năm nay, Mỹ cử 145 binh đại diện cho các đơn vị đóng quân ở châu Âu tham gia lễ duyệt binh Pháp để kỷ niệm 100 năm Mỹ tham gia Thế chiến I. Ảnh: Reuters
Ngày 11/7, Mỹ tuyên bố thử thành công Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung trên biển Thái Bình Dương gần Hawaii và Alaska. Tên lửa mục tiêu được bắn từ máy bay chở hàng C-17 của Không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương phía bắc Hawaii trong tình huống giả định nước Mỹ bị Triều Tiên tấn công. Tên lửa này bị phá hủy không lâu sau khi phóng bởi một tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống THAAD, được phóng lên từ Khu liên hợp Không gian Thái Bình Dương trên đảo Kodiak (bang Alaska). Vụ thử THAAD được tiến hành khoảng một tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần đầu tiên. Ảnh: Reuters
Ngày 10/7, Mỹ, Nhật, Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận chung Malabar tại vịnh Begal, miền nam Ấn Độ với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất của mình. Đây là lời đáp trước sự gia tăng sức mạnh hải quân thời gian gần đây của Trung Quốc. Khoảng 20 chiến hạm và tàu sân bay của ba nước tham gia cuộc tập trận này, trong đó có tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Nimitz của Mỹ, hàng không mẫu hạm chở trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai, và tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ. Ảnh: India Today
Hãng tin Reuters hôm 9/7 dẫn lời đại tá Chu Ba, Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc quân sự với quân đội CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thông qua việc này, Trung Quốc muốn khẳng định rằng Bắc Kinh không phải con rối trong chính sách quân sự của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, động thái mới nhất của Trung Quốc còn được xem như một sự nhượng bộ đối với Mỹ. Bởi trước đó, Washington từng nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh và Moscow đình chỉ mọi hình thức hợp tác với Bình Nhưỡng.
Chiều ngày 10/7, một chiếc máy bay quân sự hiệu KC-130 của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã rơi xuống cánh đồng ngoại ô Greenwood (bang Mississippi, Mỹ) khiến toàn bộ 16 người trên máy bay thiệt mạng. Cục Hàng không Liên bang xác nhận chiếc máy bay gặp nạn ở độ cao 20.000 feet sau khi cất cánh từ một căn cứ hải quân ở Cherry Point (bang North Carolina). Các mảnh vỡ của máy bay văng khắp nơi trong vòng bán kính 5 dặm cho thấy chiếc KC-130 có thể đã phát nổ trên không trung trước khi rơi xuống cánh đồng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Brett Carr đã tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ảnh: WLBT