Liên quân Mỹ - Hàn Quốc sáng 4/12, khai màn cuộc tập trận không quân cực lớn có tên “Vigilant ACE” với 12.000 binh sĩ 230 máy bay chiến đấu đến từ hai nước. Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày với sự tham gia của hàng loạt chiến đấu cơ tối tân như "ác điểu" F-6, tiêm kích tàng hình F-35A, "pháo đài bay" B-1B. Đây là lần đầu tiên 6 “ác điểu” F-22 của không quân Mỹ cùng có mặt tại Hàn Quốc để phô diễn lực lực lượng, cũng là lần hiếm hoi Mỹ điều máy bay B-1B từ đảo Guam đến Hàn Quốc trong hai ngày liên tiếp. Cuộc tập trận “Vigilant ACE” diễn ra đúng thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên đang gia tăng căng thẳng sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Triều Tiên gọi cuộc tập trận là “hành động cầu xin chiến tranh” của Mỹ. Đáp lại, Hàn Quốc khẳng định đây chỉ là hành động nhằm mục đích phòng thủ đơn thuần. Ảnh: AP
Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, lo ngại sẽ hủy hoại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palesine, và đe dọa an ninh khu vực. Ảnh: REX
Để phản đối quyết định của Tổng thống Trump, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều nước có đông người Hồi giáo như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và Indonesia, thậm chí ở cả những nước mà người Hồi giáo chỉ là thiểu số như Bangladesh và Ấn Độ. Đặc biệt, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine đã phát động biểu tình rầm rộ vào ngày thứ Sáu với tên gọi "Ngày thịnh nộ" 8/12. Hàng nghìn người dân Palestine đã đổ xuống đường phố khu Bờ Tây, Dải Gaza, Đông Jerusalem. Đụng độ đã làm hàng chục người bị thương. Ảnh: Reuters
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 4/12, đã bỏ phiếu chấp thuận cho chính quyền Tổng thống Trump đưa toàn bộ các điều khoản của sắc lệnh di trú vào thực thi. Sắc lệnh di trú, được sửa đổi vào tháng Chín, áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau với công dân đến từ 8 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia Hồi giáo đa số, bao gồm Syria, Libya, Yemen, Chad, Iran, Somalia, Triều Tiên và Venezuela. Dù tòa Tối cao Mỹ đã ra phán quyết, nhưng cuộc chiến pháp lý quanh sắc lệnh nhập cư được cho là sẽ chưa kết thúc. Ảnh: Reuters
Ngày 6/12, trong buổi gặp mặt với các công nhân tại nhà máy sản xuất ô tô GAZ (Gorkovsky Avtomobilny Zavod) ở thành phố Nizhny Novgorod, lãnh đạo nước Nga đương nhiệm Vladimir Putin xác nhận, sẽ tiếp tục chạy đua để ở lại Điện Kremlin trong cuộc bầu cử vào năm sau. Hiện chưa rõ liệu ông Putin sẽ tái tranh cử với tư cách ứng viên độc lập hay đại diện một chính đảng chính trị. Các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Putin đều trên 80%. Thời gian bầu cử cụ thể vào năm sau chưa được công bố. Nhưng dư luận tin rằng, nó sẽ diễn ra vào 18/3, kỷ niệm ngày Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: Reuters
Ngày 8/12, Ủy ban châu Âu cho biết, cuộc đàm phán Bexit đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được những "tiến bộ đầy đủ". Thành công này sẽ tạo điều kiện đưa tiến trình đàm phán Brexit bước sang giai đoạn đàm phán tiếp theo, về định hình mối quan hệ thương mại Anh-EU hậu Brexit, có thể sẽ diễn ra vào đầu năm sau. Việc này đóng vai trò quan trọng đối với tương lai nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Theresa May, cũng như để duy trì dòng chảy thương mại giữa khối thương mại lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad hôm 5/12 cho biết 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan, bị mất tích từ ngày 15/11 trên biển Nam Đại Tây Dương đã hy sinh. Ông Aguad là quan chức cao cấp đầu tiên trong chính quyền Argentina thừa nhận các thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan không còn sống sót. Trước đó, hôm 30/11, Hải quân Argentina tuyên bố ngừng công tác cứu nạn, cứu hộ thủy thủ và chuyển sang giai đoạn tìm kiếm xác con tàu. Quá trình tìm kiếm đến nay đã bước sang tuần thứ ba, nhưng vẫn chưa mang lại kết quả. Ảnh: Clarin
Ngày 9/12, thành viên Bộ Chỉ huy các chiến dịch chung (JOC) của Iraq Abdul-Amir Yarallah cho biết, quân chính phủ và lực lượng dân binh dòng Shi'ites ngày 9/12 đã giải phóng khu vực Jalil nằm giữa tỉnh Anbar và tỉnh Ninawa, hoàn toàn giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới Iraq – Syria từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Yarallah cho biết thêm, việc lấy lại khu vực Jalil có nghĩa rằng quân chính phủ Iraq đã giải phóng hoàn toàn lãnh thổ bị IS chiếm lĩnh. Năm 2014, IS đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía Bắc và phía Tây Iraq. Trải qua hơn 3 năm chiến đấu, quân chính phủ đã lấy lại được phần lớn lãnh thổ bị chiếm đóng. Ảnh: Reuters