Vào khoảng 2h48’ sáng 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, có tên Hwasong-15, từ khu vực phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa bay khoảng 960km, đạt độ cao 4.500km và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Triều Tiên tuyên bố Hwasong-15 có khả năng mang theo một “đầu đạn nặng cực lớn” và có thể “nhắm trúng toàn bộ các vị trí trên lãnh thổ Mỹ”. Đây cũng được coi là ICBM có uy lực mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Với Hwasong-15, Chủ tịch Kim Jong-un tự tin tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc phát triển “lực lượng hạt nhân nhà nước”, đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân. Ảnh: Rodong Sinmun
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành cuộc họp khẩn song không đưa ra tuyên bố chung do sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-In trong cuộc điện đàm đã cảnh báo rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên là một mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng. Ảnh: NBC News
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã hôm 28/11 đưa tin Tướng Trương Dương, cựu ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc khóa 18, đã treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Bắc Kinh hôm 23/11. Thượng tướng Trương Dương (66 tuổi) từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Trung Quốc, là người đứng thứ 6 trong Ủy ban Quân ủy Trung ương gồm 11 ủy viên của khóa 18. Cơ quan điều tra cho biết tướng Trương đã vi phạm kỉ luật và luật pháp một cách nghiêm trọng. Ông cũng bị nghi ngờ đưa – nhận hối lộ và nắm giữ một lượng lớn tài sản có nguồn gốc không xác định. Theo Thời báo Hoàn cầu, tờ PLA Daily, trang tin chính thức của quân đội Trung Quốc bày tỏ quan điểm cứng rắn trên trang WeChat trước việc ông Trương tự tử: “Thật xấu hổ khi ông Trương – từng là một vị tướng quyền lực, lại tự sát để trốn tránh sự kỉ luật.” Ảnh: SCMP
Người phát ngôn Hải quân Argentina – ông Enrique Balbi hôm 30/11 tuyên bố chiến dịch tìm kiếm 44 thủy thủ mất tích cùng tàu ngầm ARA San Juan đã kết thúc. Theo ông Balbi, quá trình tìm kiếm kéo dài đã hơn hai tuần, tức gấp đôi khoảng thời gian 7 ngày mà 44 thủy thủ được cho là có thể tồn tại, nhờ lượng oxy dự trữ trên tàu. Trong thời gian tới, đội tìm kiếm sẽ tập trung xác định vị trí xác tàu ngầm ARA San Juan tại các khu vực mà tàu xuất hiện lần cuối vào ngày 15/11. Hôm 1/12, phát ngôn viên Balbi tiết lộ đội tìm kiếm đã phát hiện 4 vật thể kim loại nằm dưới đáy biển, nghi có liên quan đến tàu ngầm. Ảnh: Sky News
Quá trình xét xử nghi phạm Đoàn Thị Hương (người Việt Nam) và Siti Aisyah (người Indonesia) về cáo buộc sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol đã tạm dừng sau phiên tòa ngày 30/11. Dự kiến, tòa sẽ mở lại vào ngày 22/1/2018. Các luật sư của Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tìm hiểu vai trò của các nghi phạm nam người Triều Tiên hiện đang chạy trốn. Dự kiến, các công tố viên sẽ mời thêm khoảng một chục nhân chứng khác trước khi kết thúc quá trình xét xử vào tháng 3/2018. Thẩm phán có thể sẽ ra phán quyết vào quý hai năm sau. Nếu thẩm phán tòa tối cao xác định Hương và Siti không phạm tội, hai nghi phạm này sẽ được thả tự do. Ngược lại, nếu thẩm phán đưa ra phán quyết khác, các luật sư sẽ tiếp tục được mời đến tòa và quá trình xét xử sẽ kéo dài thêm vài tháng. Ảnh: AP
Núi lửa Agung trên đảo Bali của Indonesia bắt đầu hoạt động trở lại hôm 25/11 sau gần 5 thập kỷ ngủ yên, đe dọa gây ra thảm họa cho 4,2 triệu cư dân trên hòn đảo này và hàng trăm ngàn du khách quốc tế. Chính quyền địa phương cho biết khoảng 150.000 người sẽ phải sơ tán khỏi khu vực bán kính 10km tính từ miệng núi lửa Agung để tránh nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp núi lửa phun trào. Quá trình sơ tán có thể kéo dài tới môt tháng. Hiện nay Chính phủ Indonesia đã hạ mức cảnh báo nguy hiểm xuống cấp độ màu da cam, tức là cấp độ số 3 trên tổng số 4 cấp độ, đồng thời đã mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở Bali, và một số hãng hàng không đã bắt đầu hoạt động trở lại. Ảnh: AFP
Sau hơn 2 năm tham chiến, Nga dường như đang sẵn sàng rút lực lượng khỏi Syria trong bối cảnh quân đội Syria đã gần như quét sạch tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ra khỏi lãnh thổ. Hãng RIA Novosti ngày 30/11 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev, cho biết: “Việc chuẩn bị rút quân đang được tiến hành”. Tuy không tiết lộ việc rút quân khỏi Syria sẽ bắt đầu vào thời gian cụ thể nào, nhưng Thư ký Hội đồng An ninh Nga khẳng định “kế hoạch đã được thông qua và tất cả đang sẵn sàng”. Tuần trước, nguồn tin quân đội Syria cho biết Nga sẽ tiến hành một cuộc rút quân quy mô lớn ngay trong năm 2017. Tuy nhiên, Nga khẳng định sẽ duy trì một lượng binh sĩ và khí tài quân sự đủ mạnh ở Trung Đông để hỗ trợ Syria đảm bảo an ninh cũng như đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Ảnh: RT
Nhật hoàng Akihito sẽ kết thúc gần 3 thập kỷ trị vì vào ngày 30/4/2019. Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp Hạ viện và do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố vào thứ Sáu, 1/12. Năm ngoái, vị vua 83 tuổi của Nhật Bản đã khiến cả nước chấn động khi tuyên bố mong muốn nhường ngôi, với lý do tuổi cao và các vấn đề sức khỏe. Con trai cả 57 tuổi của Nhật hoàng Akihito, Thái tử Naruhito, sẽ tiếp nối truyền thống, thừa kế Ngai Hoa Cúc (Chrysanthemum Throne) ngay sau đó. Ảnh: Reuters