THẾ GIỚI 24H: Phần Lan xây kho dự trữ vật liệu khổng lồ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kho chứa vật liệu này có mục đích phòng trường hợp khẩn cấp liên quan đến các mối đe dọa, tai nạn và tình huống sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân, đặc biệt là ở Bắc và Đông Âu.

Theo Sputniknews, Bộ Nội vụ Phần Lan ngày 16/8 cho biết nước này đã nhận được 242 triệu euro (264 triệu USD) từ Ủy ban châu Âu (EC) để xây dựng kho dự trữ vật liệu khổng lồ vốn sẽ trở thành kho dự trữ chiến lược chung lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong trường hợp xảy ra các mối đe dọa từ vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân (CBRN). Bộ trên cho biết thêm rằng kho dự trữ chiến lược này sẽ là một phần của Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU, được quản lý bởi Trung tâm Điều phối Ứng phó Khẩn cấp của EU (ERCC) tại Brussels. Tuyên bố có đoạn: "Sau khi yêu cầu hỗ trợ đã được ERCC chấp thuận, Phần Lan sẽ kích hoạt các biện pháp dẫn đến việc thu thập vật liệu từ các kho dự trữ và sẵn sàng vận chuyển trong vòng 12 giờ". Bộ này cũng cho biết việc tạo ra một kho dự trữ chiến lược quy mô lớn như vậy là một dự án thí điểm cho toàn EU.


Hàn Quốc nằm trong top 10 nước có nhiều triệu phú nhất thế giới. Theo đài KBS, Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse của Thụy Sĩ ngày 15/8 (giờ địa phương) đã công bố "Báo cáo tài sản toàn cầu 2023". Hàn Quốc là nước nằm trong top 10 nước có nhiều triệu phú nhất, với 1.254.000 người, chiếm khoảng 2% tổng số triệu phú trên toàn thế giới, cùng với Italy (1.335.000 người), Hà Lan (1.175.000 người) và Tây Ban Nha (1.135.000 người). Tuy nhiên, số triệu phú ở Hàn Quốc đã giảm so với năm trước đó (1.290.000 người).


Phương Tây kiếm tiền từ xung đột Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, phương Tây không quan tâm đến các cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình ở Ukraine, bởi vì họ muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt cho tổ hợp công nghiệp - quân sự của mình. Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.


Chính phủ Đức thông qua dự luật hợp pháp hóa cần sa gây tranh cãi. Chính phủ Đức đã thông qua một dự luật gây tranh cãi vào thứ Tư (16/8) để hợp pháp hóa việc sử dụng và trồng cần sa giải trí. Dự luật này bị lo ngại có khả năng tạo ra một xu hướng tương tự ở châu Âu và cả trên thế giới. Dự luật này vẫn phải được thông qua ở Quốc hội Đức. Và nếu được trở thành luật, nó sẽ cho phép người lớn sở hữu tới 25 gam cần sa, trồng tối đa 3 cây hoặc mua cần sa với tư cách là thành viên của các câu lạc bộ cần sa phi lợi nhuận.


Triều Tiên lần đầu xác nhận binh sĩ Mỹ đào tẩu hiện đang ở nước này. Ngày 16/8, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) lần đầu tiên xác nhận công khai rằng Binh nhì Mỹ Travis King đào tẩu hiện đang ở nước này. KCNA nêu rõ King đã bày tỏ “sẵn sàng xin tị nạn” ở Triều Tiên hoặc một nước thứ ba, đồng thời thú nhận rằng anh ta quyết định đào tẩu qua Triều Tiên vì “có cảm giác khó chịu trước sự ngược đãi và phân biệt trong quân đội Mỹ”. Bên cạnh đó, KCNA tiết lộ thêm rằng, King đã thừa nhận xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Triều Tiên và nói rằng cuộc điều tra đang diễn ra.


Séc phê chuẩn hiệp ước quốc phòng với Mỹ. Ngày 16/8, Cộng hòa Séc đã hoàn tất việc phê chuẩn một hiệp ước quốc phòng với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quân sự và giúp việc triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ Cộng hòa Séc trở nên dễ dàng hơn. Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước sẽ cần chữ ký của Thủ tướng Séc Petr Fiala để hoàn thiện. Tuy nhiên, Thỏa thuận này đã được cả hai viện của Quốc hội Séc thông qua vào tháng 7 và Tổng thống Petr Pavel vào ngày 1/8.


Đụng độ đẫm máu tại Libya, hơn 200 người thương vong. Trung tâm Y tế khẩn cấp ở Libya ngày 16/8 cho biết, đụng độ giữa hai nhóm vũ trang lớn tại thủ đô Tripoli đã làm 55 người thiệt mạng và 146 người khác bị thương. Đụng độ xảy ra cuối ngày 14/8 sau khi chỉ huy Lữ đoàn 444 hiện kiểm soát phần lớn Tripoli bị Lực lượng Răn đe Đặc biệt bắt giữ tại sân bay Mitiga. Vụ đụng độ đã khiến sân bay chính của thành phố này phải đình chỉ hoạt động. Đây là vụ đụng độ vũ trang tồi tệ nhất tại Libya trong nhiều tháng qua.


Dân quân Palestine đấu súng với binh sỹ Israel gần thành phố Nablus. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 16/8 thông báo, sáng cùng ngày đã xảy ra đấu súng giữa binh sỹ IDF và một số tay súng người Palestine gần thành phố Nablus. Thông báo nêu rõ, trong một chiến dịch truy quét thường xuyên của IDF, một xe quân sự đã bị một số tay súng tấn công. Các binh sỹ IDF bắn trả khiến một tay súng bị thương, đồng thời thu giữ một chiếc xe được trang bị súng trường M-16 cùng lựu đạn, chất nổ và thiết bị quân sự. Phía IDF không có thương vong.


Đức dừng thực hiện kế hoạch chi 2% GDP hằng năm cho quốc phòng. Chính phủ Đức đã rút khỏi kế hoạch, theo đó cam kết về mặt pháp lý thực hiện mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự hàng năm. Theo một nguồn tin trong chính phủ tiết lộ với hãng tin Reuters, dự thảo luật tài chính ngân sách, được nội các của Thủ tướng Olaf Scholz thông qua, đã bất ngờ bị xóa bỏ. Sự thay đổi này có nghĩa là Đức có thể hoãn thực hiện cam kết hiện tại của nước này về việc thực hiện mục tiêu chi trung bình 2% GDP cho quốc phòng trong thời hạn 5 năm.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.