THẾ GIỚI 24H: Nhật–Mỹ triển khai hệ thống giám sát tàu ngầm Trung Quốc

THẾ GIỚI 24H: Nhật–Mỹ triển khai hệ thống giám sát tàu ngầm Trung Quốc
TPO - Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác vận hành Hệ thống giám sát tiếng động tàu ngầm dưới đáy biển (SOSUS) tại thềm Thái Bình Dương thuộc quần đảo Nansei (Ryukyu), trong đó có đảo Okinawa, nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động hàng hải.

Hãng Kyodo dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) ngày 9/9 cho biết, MSDF và Hải quân Mỹ đang hợp tác vận hành Hệ thống SOSUS tại thềm Thái Bình Dương thuộc quần đảo Nansei (Ryukyu), trong đó có đảo Okinawa, nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động hàng hải. Theo các nguồn tin trên, phiên bản mới nhất của SOSUS cho phép Tokyo và Washington phát hiện tàu ngầm Trung Quốc di chuyển từ Biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên thông tin về sự tồn tại của SOSUS chỉ nhằm vào Trung Quốc này được tiết lộ. 


Liên hợp quốc đã thiết lập một "khu vực phi vũ khí" ở thị trấn Bambari thuộc Cộng hòa Trung Phi để bảo vệ dân thường trước các nhóm vũ trang tham gia những vụ đụng độ liên quan tới tôn giáo hồi tháng trước, làm hơn 10 người thiệt mạng. Phát biểu trong chuyến thăm Cộng hòa Trung Phi, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình Herve Ladsous, cho biết: "(Liên Hợp quốc) đã quyết định thiết lập một khu vực phi vũ khí ở Bambari để đảm bảo an ninh và tự do di chuyển dân cũng như tạo điều kiện cho nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận".


Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, ngày 9/9 kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu tiếp nhận 160.000 người tị nạn, hiện đang lưu trú tại Italy, Hi Lạp. Đây là những nước cửa ngõ vào châu Âu đang phải gồng mình để đối phó với làn sóng người người nhập cư trái phép. “Chúng ta không nói đến việc tiếp nhận 40.000 di dân nữa, cũng không phải 120.000 mà là con số 160.000. Người dân châu Âu cần có trách nhiệm, cần chung tay gánh vác. Tôi thực sự hi vọng lần này các nước châu Âu sẽ đoàn kết đi chung trên một con thuyền. Hiện nay chúng ta không cần đến những lời hoa mỹ mà cần hành động thực sự”, ông Jean-Claude Juncker nói.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 9/9 khẳng định quyết tâm không thay đổi cơ cấu thống nhất của nước này và các nước khác không được phép gây ảnh hưởng đến Hiến pháp Ukraine. "Một lần nữa, tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng Ukraine đã, đang và 100% sẽ là nhà nước đơn nhất, không như mong muốn thay đổi cơ cấu thống nhất của kẻ thù chúng ta. Chúng tôi không đi theo con đường đó", ông Poroshenko tuyên bố tại cuộc họp Hội đồng Phát triển khu vực.


Chủ nhiệm Ủy ban điều tra (SK) của Nga, ông Alexander Bastrykin đã cáo buộc Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk từng sát cánh với các phần tử Hồi giáo nổi dậy ở Chechnya để chiến đấu chống lại nước Nga giữa những năm 1990. Ông Bastrykin cho biết "một cuộc điều tra đã chứng minh" ông Yatsenyuk, hiện 41 tuổi, đã tham chiến trong các nhóm sát thủ có tên Argo và Viking. Những đơn vị này nằm dưới sự chỉ huy của tên Oleksandr Muzytchko (còn được gọi là Sashko Bilyi) - điều phối viên của nhóm dân tộc chủ nghĩa Cánh Hữu ở Tây Ukraine mới bị cảnh sát tiêu diệt hồi năm ngoái.


Một quan chức Đại sứ quán Nga tại Athens cho biết, Hy Lạp đã đồng ý cho Nga sử dụng không phận nước này để thực hiện các chuyến bay nhân đạo tới Syria. Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức Đại sứ quán Nga tại Tehran cho biết Iran đã nhất trí với tất cả các đề nghị của Moscow được sử dụng không phận của Iran cho nhiệm vụ này. Trước đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bulgaria tuyên bố chỉ mở không phận cho các máy bay Nga chở hàng đến Syria sau khi kiểm tra hàng trên máy bay. 


Ngày 9/9, Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã có cuộc gặp với thủ lĩnh các nhóm vũ trang thiểu số, nhằm hối thúc ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc. Trong cuộc gặp với thủ lĩnh hàng đầu của các nhóm vũ trang thiểu số tại thủ đô Nay Pyi Taw, Tổng thống U Thein Sein kêu gọi thủ lĩnh các nhóm vũ trang thiểu số nắm chắc thời cơ để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ông U Thein Sein nhấn mạnh: "Lịch sử vài thập kỷ qua đã minh chứng rằng vấn đề các nhóm vũ trang thiểu số không thể giải quyết bằng vũ lực, mà đối thoại chính trị là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề này và mang lại hòa bình".


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã hối thúc Triều Tiên từ bỏ chính sách phát triển song song chương trình hạt nhân và kinh tế, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực thi chính sách mở cửa và cải cách. Phát biểu trong diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Seoul khai mạc tại thủ đô Seoul ngày 9/9, Tổng thống Park Geun-hye nêu rõ: "Triều Tiên nên đi theo con đường phát triển thật sự thông qua cải cách và mở cửa". 


Cảnh sát Thái Lan ngày 9/9 khẳng định Mieraili Yusufu, 25 tuổi, nghi can chính trong vụ đánh bom đẫm máu tại đền Erawan ở thủ đô Bangkok vào tháng trước - là công dân Trung Quốc. Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn của cảnh sát Thái Lan Prawut Thavornsiri cho biết kết quả điều tra đã xác nhận được hộ chiếu của nghi can nói trên là thật, trong khi giấy tờ đi lại của một nghi can khác - kẻ tự khai nhận với cảnh sát là Adem Karadak và đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - là giả mạo.


Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thành phố Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc định giá đồng Nhân dân tệ giảm 2% không nhằm mục đích hỗ trợ các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường cho biết việc tiếp tục phá giá đồng nội tệ không nằm trong chủ trương tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế của Bắc Kinh, đồng thời thừa nhận một cuộc chiến tranh tiền tệ là không có lợi cho Trung Quốc. 

MỚI - NÓNG