THẾ GIỚI 24H: Người dân Ukraine muốn từ bỏ Donbass

THẾ GIỚI 24H: Người dân Ukraine muốn từ bỏ Donbass
TPO - Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Sofia, hơn 61,8% người Ukraine được hỏi cho biết họ sẵn sàng từ bỏ các khu vực do dân quân ly khai kiểm soát ở Donbass (miền Đông Ukraine) để chấm dứt nội chiến.

Kết quả khảo sát cụ thể cho thấy gần 23% số người được hỏi cho rằng chính quyền Ukraine phải giành lại toàn quyền kiểm soát tại các khu vực ở tỉnh Donetsk và Lugansk do dân quân kiểm soát và hơn 15% chưa đưa ra quyết định về vấn đề này. Theo cuộc khảo sát trên, gần một nửa số người Ukraine (48,5%) cho rằng nhiệm vụ chính của tổng thống và chính phủ đương nhiệm là chấm dứt chiến tranh ở Donbass, cải thiện tình hình kinh tế.


Thủ lĩnh quân ly khai Lugansk ngày 13/6 khẳng định, nếu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có ý định thắt chặt cấm vận kinh tế vùng Donbass, việc làm này phải có sự chứng kiến của Đức và Pháp.

Trước đó, ngày 12/6, chính phủ Ukraine đã công bố một đạo luật cấm giao thương với những nơi mà họ gọi là “khu vực tạm thời bị chiếm”. Theo đó, những vùng do quân ly khai Donetsk và Lugansk kiểm soát cũng như bán đảo Crimea đã bị cấm vận kinh tế. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phía quân nổi dậy.

Lãnh đạo quân Lugansk cho biết, nếu Tổng thống Poroshenko có ý thắt chặt kinh tế của vùng Donbass, quyết định này phải thực hiện với sự chứng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, những bên đã cùng với Nga lập nên Hiệp ước Minsk 2.0.


Nga sẽ tăng cường quân số ở vùng Trung Á nhằm củng cố an ninh tại khu vực mà Trung Quốc đang có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, nhằm gây dựng vị thế ngang bằng với nước này.

Nga cho biết họ sẽ tăng số lượng quân đội đóng tại Tajikistan lên thành 9.000 quân. Họ cũng sẽ đưa các máy bay không người lái tới một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan và xây dựng thêm nhiều cơ sở quân sự trong khu vực. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), gồm 6 nước Liên Xô cũ (trong đó có Nga) đã thực hiện các cuộc tập trận tại Tajikistan vào tháng trước.


Các quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) ngày 13/6 cho biết họ sẽ phát động một dự án sản xuất các robot chiến đấu vào năm tới khi mà công việc nghiên cứu và chuẩn bị đang đi vào giai đoạn kết thúc.

Một quan chức của cơ quan trên cho biết khi công việc nghiên cứu kết thúc vào năm tới, Hàn Quốc sẽ bắt đầu sản xuất loại robot này nhưng không tiết lộ thêm chi tiết về thời gian thực hiện kế hoạch trên. ADD đã triển khai nghiên cứu dự án này từ năm 2012 và đã làm chủ được các công nghệ để phát triển loại thiết bị trên.


Ngày 13/6, nhà chức trách Ai Cập đã mở cửa khẩu Rafah trên biên giới với Dải Gaza trong vòng ba ngày. Đây là lần đầu tiên người Palestine được phép đi lại cả hai chiều qua cửa khẩu này trong vòng ba tháng qua.

Cơ quan kiểm soát các cửa khẩu ở Gaza, do phong trào Hamas của Palestine điều hành, đã xác nhận việc Ai Cập mở cửa khẩu Rafah. Tuy nhiên chỉ các bệnh nhân, những người có hộ chiếu nước ngoài, sinh viên và một số người Palestine có thị thực được phép đi qua. Theo người quản lý cửa khẩu Rafah bên phía Palestine Maher Abu Sabha, gần 14.000 người ở Gaza đã đăng ký đi qua song mỗi ngày chỉ có 400 người có thể qua cửa khẩu này.


Ngày 13/6, ứng cử viên Tổng thống năm 2016 của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chính thức phát động chiến dịch tranh cử với bài diễn văn đầu tiên tại thành phố New York.

Trong bài diễn văn, bà Hillary kêu gọi tất cả người dân Mỹ xây dựng một kỷ nguyên mới với “sự thịnh vượng đích thực và bền vững” mà mọi người đều được hưởng. Trong bài diễn văn được đưa ra tại đảo Roosevelts trước sự chứng kiến của hàng nghìn người ủng hộ, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã trình bày phương châm hành động của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.


Ngày 13/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng sự bùng phát của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) ở Hàn Quốc diễn ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp, đồng thời cho rằng nước này cần phải sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài chống dịch này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố hành chính Sejong, cách Seoul khoảng 130km về phía Nam, về kết quả của một cuộc nghiên cứu chung với một nhóm của Hàn Quốc kéo dài 1 tuần qua, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về an ninh y tế Keiji Fukuda cho biết do tình hình diễn biến của dịch MERS, sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm được ghi nhận. 


Trung Quốc ngày 13/6 ra thông báo, cho biết số người sống sót sau vụ chìm tàu trên sông Trường Giang là 12 người chứ không phải 14 người.

Khi gặp nạn, con tàu này chở 454 chứ không phải 456 như những thông tin đã đưa suốt thời gian qua. Người đứng đầu Cơ quan quản lý vận tải trên sông Trường Giang thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc, ông Tang Guanjun cho biết: “Lúc gặp nạn, trên tàu có 403 du khách, 46 thành viên thủy thủ đoàn và 5 nhân viên lữ hành. Tổng cộng là 454 người. Đến nay chỉ có 12 người sống sót và chúng tôi đã tìm thấy tất cả 442 thi thể”.


Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, nước này đang tiến hành điều tra xung quanh cáo buộc cho rằng lực lượng hải quân Australia đã trả tiền cho những kẻ buôn người để họ lên thuyền trở về Indonesia cùng những người di cư trái phép. Australia đã bác bỏ cáo buộc này.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, giới chức nước này đã bắt giữ một thuyền trưởng và một số thuyền viên tình nghi tham gia buôn người trái phép trong tuần qua. Những người này khai báo với cảnh sát Indonesia đã nhận được 5.000 USD Australia mỗi người, đổi lại họ sẽ cùng những người trên tàu quay trở về Indonesia.


Ngày 12/6, Thủ tướng Moldova Chiril Gaburici đã đệ đơn từ chức sau khi xuất hiện nghi vấn về tính xác thực của những tấm bằng cấp 3 và đại học của nhà lãnh đạo này.

Trong tuyên bố từ chức, ông Gaburici cho biết, ông lấy làm tiếc trước việc vấn đề bằng cấp của ông lại trở thành một công cụ của trò chơi chính trị. Trước đó hôm 11/6, Viện Tổng công tố Moldova đã triệu ông Gaburici đến để làm rõ vấn đề bằng cấp của ông.

MỚI - NÓNG