Estonia ngày 4/5 đã khởi động cuộc tập trận với số lượng binh sỹ nhiều nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Estonia, cuộc tập trận mang tên Siil-2015, cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử nước này với tổng số hơn 13.000 quân, bao gồm quân thường trực, quân dự bị và hàng trăm binh sỹ đến từ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Mỹ, Anh, Bỉ, Đức, Ba Lan, Hà Lan và một số thành viên khác. 4 xe tăng chủ lực chiến trường M1A2, khoảng 150 lính dù Mỹ hiện đang đồn trú tại phía đông Estonia đã được huy động tham gia cuộc tập trận lần này.
NATO ngày 4/5 đã tiến hành một trong những cuộc tập trận chống tàu ngầm quy mô lớn nhất ở Biển Bắc, đồng thời lần đầu tiên mời Thụy Điển – một quốc gia không phải thành viên của liên minh - tham gia, bất chấp căng thẳng leo thang giữa Nga và các quốc gia láng giềng phía Bắc. Hơn 10 chiếc tàu từ 11 quốc gia đang tham gia cuộc tập trận mang tên “Dynamic Mongoose". NATO sẽ mô phỏng việc phát hiện và tấn công các tàu ngầm ở một trong những vùng biển nguy hiểm nhất, với những hẻm núi nông nhưng gồ ghề, dòng chảy nhanh. Bốn tàu ngầm, trong đó có một tàu của Thụy Điển, sẽ được giao nhiệm vụ tiếp cận và nhắm mục tiêu vào các tàu mà không bị phát hiện, mô phỏng một cuộc tấn công vào các tàu bề mặt, theo Sputnik.
Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Nikolay Nenchev tuyên bố nước này sẽ cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí của Nga, song vẫn chưa rõ sẽ tiến hành thay thế bằng nguồn khí tài nào. Trả lời họp báo, ông Nechev nói: "Bulgaria có lẽ là quốc gia duy nhất trong NATO phụ thuộc gần như 100% vào Nga, điều đó là không nên. Vì thế chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga và tất nhiên là cả các nước khác ngoài NATO”. Theo ông Nechev, hiện Bulgaria đang gặp khó khăn khi tham gia những hành động cũng như các cuộc diễn tập chung với NATO do nhiều trang thiết bị không tương thích.
Ngày 4/5, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bờ Eo biển Đài Loan xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh và giải quyết những khác biệt chính trị thông qua tham vấn bình đẳng. Tuyên bố trên được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc dân Đảng Đài Loan Chu Lập Luân tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa giữa ông Tập Cận Bình với ông Chu Lập Luân kể từ khi ông được bầu làm Chủ tịch Quốc dân Đảng Đài Loan hồi tháng Một vừa qua. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bờ Eo biển Đài Loan cũng như CPC và Quốc dân đảng nên tự tin và tăng cường tin tưởng lẫn nhau để duy trì phát triển hòa bình mối quan hệ giữa hai bên, cùng nhau hợp tác xây dựng một cộng đồng có chung vận mệnh, theo Vietnamplus.
Ngày 4/5, Nepal đã đề nghị các đoàn cứu hộ nước ngoài kết thúc hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, 9 ngày sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng làm hơn 7.200 người thiệt mạng, do không còn hy vọng tìm thấy người sống sót trong những đống đổ nát. Quan chức Bộ Nội vụ Nepal Rameshwor Dangal nói: "Họ đã có thể về nước. Nếu họ cũng có chuyên môn trong việc thu dọn các đống đổ nát, họ có thể ở lại”. Sau khi xảy ra thảm họa trên, hàng chục quốc gia đã cử các đội cứu hộ đến Nepal để giúp tìm kiếm những người sống sót.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/5 đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc cho rằng Cục Tình báo liên bang Đức (BND) đã tiếp tay để Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám các quan chức và các doanh nghiệp ở châu Âu. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của bà Merkel liên quan tới các cáo buộc đối với cơ quan tình báo đối ngoại của Đức trong tuần qua. Phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh việc các quốc gia đồng minh tiến hành do thám lẫn nhau là điều không thể chấp nhận, tuy nhiên bà ủng hộ mạnh mẽ việc BND hợp tác với NSA trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngày 4/5, các công tố viên Litva cho biết đã bắt giữ một công dân Nga bị tình nghi làm gián điệp. Đây là vụ việc mới nhất mang hơi hướng Chiến tranh Lạnh xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Phương Tây và Nga đang gia tăng. Theo cơ quan công tố Litva, đối tượng trên là một đặc vụ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tìm cách "thâm nhập các cơ quan chính quyền, thực thi pháp luật và tình báo...”. Tình báo Litva đã chặn đứng một âm mưu tiếp cận nguồn thông tin dành riêng cho giới lãnh đạo nước này hòng thao túng và gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách ở cấp cao nhất. Đối tượng trên sinh năm 1977, bị bắt giữ hôm 29/4 và bị tòa ra lệnh tạm giam 3 tháng. Nghi can này có thể đối mặt với mức án 15 năm tù giam nếu bị kết tội làm gián điệp.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Hewlett Packard (HP) Carly Fiorina ngày 4/5 thông báo tự ứng cử, tranh tấm vé đề cử là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Trong một tuyên bố ngắn đăng trên mạng xã hội Twitter, bà Fiorina, 60 tuổi, tuyên bố: "Tôi sẽ tham gia tranh cử tổng thống". Tính tới thời điểm hiện tại, cựu Chủ tịch HP là ứng cử viên nữ giới đầu tiên tham gia vào chiến tuyến phe Cộng hòa. Trước bà Fiorina, các Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Thượng nghị sỹ Ran Paul và Ted Cruz của đảng Cộng hòa cũng đã chính thức thông báo bước vào cuộc đua giành quyền đề cử của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tới. Trong số những chính khách Cộng hòa dự kiến sớm ra thông báo ra vận động tranh cử ghế tổng thống còn có Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker và cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush.
Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép từ ngày 5/5, các nhóm dân sự gặp đại diện Triều Tiên để thảo luận về khả năng tổ chức các sự kiện chung giữa hai miền trong năm nay. Theo đó, phái đoàn gồm 5 thành viên dự kiến sẽ họp trong hai ngày với đại diện của Triều Tiên tại thành phố Thẩm Dương, Đông Bắc Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho các hoạt động chung giữa hai miền nhân kỷ niệm 15 năm ngày ra Tuyên bố chung liên Triều (15/6) và 70 năm ngày giải phóng Bán đảo Triều Tiên khỏi ách đô hộ của Nhật Bản vào tháng 8 tới. Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc giấu tên cho biết chính phủ nước này mới chỉ cho phép tiến hành các cuộc họp, việc tổ chức các hoạt động chung hay không sẽ được quyết định sau, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc tham vấn.
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch ngày 4/5, do giới kinh doanh đang theo dõi số liệu "mờ nhạt" trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 27 xu Mỹ xuống 58,88 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 13 xu Mỹ xuống 66,33 USD/thùng. Các nhà phân tích cho biết, giá dầu đã giảm khi ngân hàng HSBC công bố chỉ số hoạt động chế tạo tháng 4/2015 của Trung Quốc đã tụt xuống gần mức thấp nhất trong vòng 12 tháng qua. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống 48,9 điểm trong tháng 4/2015, so với mức 49,6 điểm trong tháng Ba và mức 48,1 điểm cùng kỳ năm ngoái.