Dẫn chúng tôi vào xưởng, anh Bùi Thanh Phú, 37 tuổi, chủ của thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ - một trong thành viên của Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô vui vẻ nói, những ngày này, xưởng đang tập trung chiết nước mắm ra từ các bể, đóng chai, dán nhãn, đóng thùng để sẵn dành cho người dân cũng như các công ty, xí nghiệp dùng để làm quà tặng cho các cán bộ công nhân viên nhân dịp cuối năm. Do ảnh hưởng của dịch nên năm nay xưởng anh Phú dự kiến chỉ đưa ra thị trường khoảng 4.000 đến 5.000 lít nước mắm.
Ông Trần Ngọc Vinh cho biết nhờ sự giúp sức của nhà nước như hỗ trợ chum, lu, muối cho bà con, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và tìm đầu ra, nên số người làm nước mắm ở làng Nam Ô tăng dần từ 38 người lên tới 120 người. Hiện trong làng đã có 68 hộ tham gia vào Hội Làng nghề nước mắm truyền thống, với 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 4 HTX và 1 doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm làng Nam Ô cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm thành phẩm.
“Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề, nhưng riêng nghề làm nước mắm vẫn duy trì đều sản xuất. Đối với làng nghề nước mắm Nam Ô nói chung, ảnh hưởng lớn nhất đó mảng du lịch phải dừng lại, việc sản xuất cũng gặp khó khăn tuy nhiên giá bán sản phẩm vẫn không tăng. Hiện tại, hướng giải quyết tốt nhất là bày bán các sản phẩm ở các trung tâm thương mại lớn và đẩy mạnh quảng bá để người tiêu dùng làm quà tặng”, anh Phú chia sẻ.
Tại nhà bà Lê Thị Hội, chủ thương hiệu nước mắm Bà Siêng, vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Hội vừa miệt mài rót từng ca nước mắm, đóng nhãn hiệu bao bì để kịp giao cho khách đi Sài Gòn, số khác giao cho người dân quanh xưởng đặt sử dụng. Bà Hội tự tin nói, dịp Tết Nguyên đán xưởng dự kiến sẽ bán ra 2.500 lít nước mắm, dù cho dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp. Bởi theo bà, thứ nước mắm mặn mòi, không hóa chất của làng từ lâu đã khiến nhiều người “nghiện” lúc nào không biết.
Làng nghề giữa “điểm nóng”
Hiện tại một số phường của quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19, có thể lên tới cấp độ 4 (cấp độ đỏ), khiến nhiều người trong làng nước mắm truyền thống Nam Ô thấp thỏm lo việc đi lại giao hàng chậm.
Anh Bùi Thanh Phú bên những lu mắm thành phẩm chuẩn bị xuất bán dịp Tết ảnh: Thái Lâm |
“Rất lo lắng vì đây là vụ chính tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm, trong khi trên địa bàn quận lại bùng phát dịch thế này khiến cho việc sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng gặp trở ngại. Chưa kể, nếu các ngày sát Tết thế này, tình hình dịch không có biến chuyển tốt chi phí đi lại cũng sẽ rất lớn”, anh Phú trầm tư bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh nước mắm, cho biết, gần như cả năm nay việc đi lại buôn bán không thuận lợi do dịch bệnh, nếu cứ tiếp thế này e sẽ khó cho bà con.
Ông Trần Ngọc Vinh, 72 tuổi, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, chia sẻ, đối với người dân địa phương, đây là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm nên ai cũng tất bật với việc xuất hàng. Thế nhưng dịch lại ập đến thế này khiến việc đi lại đóng gói hay giao hàng của bà con sẽ gặp trục trặc. Vì vậy mong các cơ quan chức năng quan tâm tìm hướng hỗ trợ và giải quyết giúp người dân.