Theo TS Trần Đáng, Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025, nước mắm có lịch sử tồn tại lâu dài, là một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người Việt.
Nước mắm vừa là gia vị nêm nếm, vừa là món ăn, vừa là thực phẩm chức năng giúp bổ sung dinh dưỡng cho người Việt. Không chỉ là quốc hồn, quốc túy của người Việt, nước mắm ngày càng biết đến rộng rãi và được ưa chuộng trên thế giới.
“Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, nước mắm Việt hoàn có thể đi năm châu bốn bể, vươn lên số một toàn cầu, nếu biết nắm tay nhau, đồng lòng… Do vậy, Hiệp hội nước mắm Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật”, ông Đáng nói.
Theo quyết định của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam là hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cùng đồng lòng nghiên cứu, xây dựng và quảng bá văn hoá ẩm thực nước mắm của người Việt.
Hiệp hội sẽ tăng liên tục sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người tiêu dùng; bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất; kế thừa và phát triển tinh hoa lâu đời của nghề sản xuất nước mắm, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy nước mắm Việt Nam được công nhận ngôi vị số một toàn cầu.
Các hội viên sáng lập của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam hoạt động trên toàn quốc, có thành phần đại diện đầy đủ từ nhà sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm.
Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng lập của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng của toàn bộ ngành nước mắm Việt Nam.
Tại Đại hội Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết nghề nước mắm và các sản phẩm chế biến khác từ cá và muối là một công trình sáng tạo của dân Việt Nam, được hình thành và phát triển song hành cùng nghề đánh cá và nghề làm muối cách đây khoảng 500 - 600 năm.
Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm lớn tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang....
Việt Nam đã hình thành một số thương hiệu nước mắm nổi tiếng và các sản phẩm nước mắm rất phong phú như: nước mắm Vạn Vân (Cát Hải), nước mắm Vạn Phần (Nghệ An), nước mắm Nam ô (Đà Nẵng), nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), đặc biệt là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.
Hiện nay, nước mắm đã được xuất khẩu sang trên 20 thị trường, chủ yếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua đạt 13,25%/năm.
Tại đại hội Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã ủng hộ số tiền 1 tỷ đồng và kêu gọi khách mời tham dự Đại hội chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại lũ lụt. Hiệp hội đã trao tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.