Quặn thắt chứng kiến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau cơn đại hồng thủy

Ngôi nhà thờ dòng họ Võ mà Đại tướng tâm huyết cũng thiệt hại nặng nề
Ngôi nhà thờ dòng họ Võ mà Đại tướng tâm huyết cũng thiệt hại nặng nề
TP - Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà cửa ở Quảng Bình. Ngôi nhà lưu niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy cũng không ngoại lệ. Nhiều mảng tường của ngôi nhà bị xô đổ, bàn thờ và bức tượng của Đại tướng bị vùi trong bùn đất. Nhiều kỷ vật vô giá không bao giờ tìm lại được…  

Nước mắt cụ Hàm

Ngày thứ 3 lũ rút, trời bắt đầu hửng nắng, cụ Hàm (ông Võ Đại Hàm, gần 80 tuổi, người trông coi ngôi nhà lưu niệm và gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông) tay run run bê từng bức ảnh ố màu của Đại tướng ra phơi ở hiên nhà. Cụ nói, nhiều bức ảnh quý giá đã mất, số còn lại cũng ố màu khó nhận biết, nhưng ông vẫn lượm lặt lại, rửa bùn đất, phơi nắng… cho đỡ xót ruột.

Cụ Hàm kể: Nghe đài báo sẽ có lũ lớn, ông và vợ đã khiêng bàn ghế chồng lên nhau, rồi để những vật nặng lên đó. Còn những thứ liên quan đến giấy tờ như tranh ảnh, sách báo… cụ cho lên gác xép áp mái. Gần 80 tuổi, đã qua hàng trăm trận lũ, cụ Hàm yên tâm với cách phòng chống lũ của mình và hai vợ chồng trèo lên gác xép tránh lũ. Nhưng cụ đâu ngờ đây lại là cơn “đại hồng thủy”, nó đã nhấn chìm tất cả.

Quặn thắt chứng kiến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau cơn đại hồng thủy ảnh 1 Trước mắt chỉ mới dựng lại được bàn thờ của song thân và Đại tướng để nhân dân về viếng hương

Sáng 18/10, khi nước lũ lên ngập nền nhà hơn 1m, có đơn vị bộ đội đến đưa vợ chồng cụ đến tránh trú ở ngôi nhà của thôn. Ba ngày ở đây, giữa mênh mông nước, lòng nóng như lửa đốt, cụ biết nước lũ chắc chắn đã ngập mái nhà của Đại tướng. Nước lũ vừa rút nhẹ, cụ đã nhờ người chèo thuyền đưa cụ từ nhà thôn về nhà Đại tướng.

Dù đã hình dung trước cảnh tàn phá của nước lũ đối với ngôi nhà của Đại tướng, nhưng cụ không ngờ nó lại khủng kiếp đến thế. Nhiều mảng tường bị đổ sập, mái hiên trước thềm nhà không còn mảnh nào; phía trong nhà, bàn ghế, ban thờ bập bềnh trong nước lũ…

Cụ Hàm nhớ lại: “Nhìn thấy cảnh hoang tàn ấy, tôi biết là mất hết, hỏng hết không còn gì. Tôi đứng như trời trồng, hai hàng nước mắt cứ thế trào ra, lòng nặng trĩu như mình vừa gây ra một lỗi lầm khủng khiếp với Đại tướng. Mũi thuyền vừa chạm thềm nhà, tôi nhảy ùm xuống nước mò tìm được bức tượng của Đại tướng lâu nay vẫn đặt trên bàn thờ, ôm chặt vào lòng, ruột đau như cắt. Anh lái thuyền thấy thế cũng nhảy xuống nước dựng lại bàn thờ rồi cùng tôi đặt bước tượng Đại tướng lên đó”.

Đặt được bức tượng lên bàn thờ, cụ vội vàng trèo lên gác xép, lại lần nữa cụ như chết đứng, bao nhiều sổ sách, giấy tờ, tranh ảnh, kỷ vật vô giá… thứ bị lũ cuốn trôi, thứ bị ố màu vì ngâm nước.

Kỷ vật vô giá nhất không thể phục dựng

Sau lũ, một đơn vị bộ đội đã về giúp cụ Hàm dọn dẹp, vệ sinh ngôi nhà Đại tướng sau lũ. Bao nhiêu đồ vật trong nhà được bộ đội lôi ra từ trong đống bùn đất, đổ nát. Sau khi rửa qua nước, thứ có thể dùng lại được, nhưng rất nhiều thứ quý giá đã bị lũ cuốn trôi, hoặc bị hư hỏng. Mắt rớm lệ, cụ Hàm nói, đau xót nhất là 5 cuốn sổ lưu niệm với hàng nghìn trang viết, ghi lại cảm nghĩ, thương nhớ, tri ân đối với Đại tướng. Trong đó có nhiều bút tích của lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước; chính khách lớn quốc tế; và nhân dân trong và ngoài nước khi đến thăm ngôi nhà lưu niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cụ Hàm xót xa nói: “Tôi tìm thấy 5 cuốn sổ trong đống bùn đất, tôi mang ra thử lật từng trang xem sao nhưng nó cứ mủn ra. Tôi quyết định để nguyên bùn đất để phơi nắng nhưng cũng không cứu vãn được. Hàng nghìn trang viết không thể giữ lại được trang nào. Tường nhà có thể làm lại được, tranh ảnh có thể vào thư viện, bảo tàng xin lại được, bàn ghế, giường chõng có thể lắp ráp lại được, còn 5 cuốn sổ lưu niệm thì mãi mãi không bao giờ tìm lại được nữa”.

Quặn thắt chứng kiến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau cơn đại hồng thủy ảnh 2 Ngôi nhà Đại tướng tan hoang sau lũ

Cụ Hàm cho biết, trước mắt cũng chỉ kê lại được bàn thờ các cụ thân sinh và Đại tướng để nhân dân cả nước về cứu trợ lũ lụt có chỗ để thắp hương khi đến viếng. Tất cả vẫn đang còn ngổn ngang, nếu muốn phục dựng lại được ngôi nhà và vật dụng cũng phải mất vài tháng.

Trong lúc đó, ngôi nhà thờ dòng họ Đại tướng cách đó không xa cũng không còn lại thứ gì ngoài mấy hàng cột. Hệ thống tường rào và tường nhà bị sóng đánh sập, mái nhà cũng rơi mất một phần ngói, ban thờ bằng đá cũng bị sóng đánh tan tành. Cụ Hàm cho biết, đây là ngôi nhà thờ mà sinh thời Đại tướng rất tâm huyết, là biểu tượng, là bài học quý giá cho con cháu dòng họ Võ về bảo vệ môi trường.

Khi xây nhà thờ, các cụ trong họ Võ ở làng An Xá bàn nhau mua gỗ lim về làm. Nghe tin, Đại tướng điện về đề nghị không nên làm gỗ lim, vì trong cả nước với hàng vạn nhà thờ họ, nếu ai cũng làm gỗ lim thì còn đâu rừng. Đại tướng yêu cầu làm bằng gỗ mít, một loại gỗ trồng trong vườn, vừa rẻ, vừa đẹp và độ bền không thua kém gỗ lim.

“Khi khánh thành nhà thờ, Đại tướng về, ông cụ rất vui khi ngôi nhà thờ được làm toàn bộ bằng gỗ mít, nằm khiêm nhường trong góc vườn. Sau khi thắp hương cho ông bà tổ tiên, ông cụ ngôi ở sảnh nhà thờ, quây quần bên con cháu dòng họ Võ, cụ nói về lịch sử dòng họ, về ý nghĩa của ngôi nhà thờ và việc vì sao phải thay gỗ lim bằng gỗ mít để bảo vệ môi trường” - cụ Hàm kể.

Theo cụ Hàm, ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng là do huyện Lệ Thuỷ phục dựng, nay bị thiệt hại trong lũ huyện sẽ bỏ kinh phí làm lại. Còn ngôi nhà thờ của dòng họ, tới đây sẽ họp bàn với các chi, nhánh trong dòng họ Võ, cùng nhau góp tiền để tu bổ. “Nhìn hai ngôi nhà tan hoang sau lũ, đau thương và xót xa lắm, nhưng biết trách ai bây giờ, thiên tai mà. Nhìn thấy cảnh này lại rơi nước mắt, lại nhớ đến lời dạy của Đại tướng về bảo vệ môi trường” - ông Hàm nói.

Sau khi lũ rút, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy đã đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo cụ Hàm, tại đây, ông Lê Vĩnh Thế đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương bàn bạc với gia đình, thống nhất phương án phục dựng lại ngôi nhà càng sớm càng tốt. Ông Thế cho rằng đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách sau lũ lụt.

MỚI - NÓNG