Thanh niên và sứ mệnh xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng, đặc biệt là trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng, đặc biệt là trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.
TPO - Là thanh niên thời đại mới, là những trí thức của đất nước, mỗi thanh niên hãy tuyên truyền về những truyền thống tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam, cùng nhau bảo tồn và phát huy, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, luôn “soi đường cho quốc dân đi”.

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gửi tới hội nghị tham luận với chủ đề: “Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Nhiều kết quả nổi bật

Trong tham luận gửi tới Hội nghị, T.Ư Đoàn cho biết: Quán triệt, thực hiện mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kết luận, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trong các đối tượng thanh niên, lĩnh vực công tác.

Thanh niên và sứ mệnh xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11.

Quan điểm coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi, chung tay cùng hệ thống chính trị và toàn xã hội xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xác định xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc, nhất là Đại hội lần thứ IX (2007-2012), lần thứ X (2012-2017) và lần thứ XI (2017-2022).

Đồng thời, quan điểm trên cũng được thể hiện trên các mặt công tác, đặc biệt là công tác giáo dục, trong các chương trình, phong trào hành động cách mạng của thanh niên.

Một là, Đoàn xây dựng lớp thanh niên phát triển toàn diện. T.Ư Đoàn đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, với 3 tiêu chí nền tảng “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được đẩy mạnh triển khai, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, danh nhân của địa phương: “Em yêu lịch sử Việt Nam”, cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”; “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, “Liên hoan tuyên truyền các ca khúc cách mạng”…

Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng; phong trào Tuổi trẻ sáng tạo” được tổ chức rộng rãi, thành sân chơi khơi nguồn, thúc đẩy đam mê sáng tạo của thanh niên, góp phần hình thành nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho đất nước.

Hai là, Đoàn tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu niên. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản của Đoàn đã góp phần quan trọng tạo ra môi trường thông tin lành mạnh, lan tỏa và định hướng những giá trị tốt đẹp trong đời sống đến với thanh thiếu nhi.

Các cấp bộ Đoàn duy trì tổ chức các cuộc vận động sáng tác và biểu diễn nhằm định hướng thẩm mỹ nghệ thuật trong thanh thiếu nhi: Cuộc vận động đọc sách như “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”; các chương trình: “Tuổi 20 hát”, “Hành trình bài ca sinh viên”, “Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng”... Đoàn các cấp triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.

Thanh niên và sứ mệnh xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới ảnh 2

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong khởi xướng, tổ chức là một trong những sự kiện văn hoá có uy tín lớn tại Việt Nam

Ba là, Đoàn tham gia phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật. T.Ư Đoàn và nhiều tỉnh, thành Đoàn đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đại hội Đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên, Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, chương trình “Tôi yêu tổ quốc tôi” về biển đảo, về hình mẫu thanh niên thời kỳ mới…; tổ chức nhiều giải thưởng, cuộc thi, liên hoan về văn học, nghệ thuật. Các cơ quan báo chí của Đoàn đã phát triển nhiều chương trình văn hóa có tính giáo dục và nghệ thuật cao, như: “Hoa hậu Việt Nam”, “Duyên dáng Việt Nam”, “Khát vọng trẻ”.

Bốn là, Đoàn tham gia bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Các cấp bộ Đoàn phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Tổ chức liên hoan sử ca, quảng bá nghệ thuật truyền thống, đưa cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc vào trường học; tổ chức các hội diễn, liên hoan, festival tiếng hát học sinh, sinh viên, thiếu nhi.

Năm là, Đoàn tham gia xây dựng và triển khai các chính sách văn hóa đối với tôn giáo. Các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Vận động thanh niên tín đồ tôn giáo phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”… Đoàn Thanh niên các cấp luôn tạo điều kiện để thanh niên tôn giáo tham gia sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, phục vụ lễ hội và học tập giáo lý của tôn giáo; thường xuyên tổ chức các ngày hội thanh niên tôn giáo, liên hoan các ca đoàn, tuyên dương thanh niên tôn giáo tiêu biểu…

Sáu là, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế thanh niên về văn hóa. Hiện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức thanh niên, sinh viên, tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia, khu vực và quốc tế... Việc mở rộng quan hệ, đa dạng hóa đối tác, loại hình và quy mô hoạt động, chú trọng tính mục đích và tính thực chất, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là thành công nổi bật của công tác quốc tế thanh niên trong thời gian qua.

Nhận diện những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, các mạng xã hội đã tạo điều kiện để giới trẻ hiện nay dễ dàng tiếp nhận những loại hình văn hóa du nhập từ nước ngoài, như: âm nhạc, sách báo, xu hướng thời trang… Tuy nhiên, đáng lưu ý có không ít nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đi ngược lại đạo lý truyền thống của dân tộc, khiến giới trẻ dễ sa vào các tệ nạn xã hội, chạy theo lối sống đua đòi, buông thả.

Thanh niên và sứ mệnh xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới ảnh 3

Khi “giang hồ mạng" được giới trẻ chào đón như ngôi sao thì đó là vấn đề rất đáng quan tâm chấn chỉnh, là sự cảnh báo về lệch lạc thần tượng trong giới trẻ.

Dẫu vậy, vai trò dẫn dắt, định hướng cho thanh niên của Đoàn còn chậm; công tác khảo sát, đánh giá tình hình thanh niên nói chung, các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ nói riêng chưa thường xuyên…

Bên cạnh đó, kỹ năng nhiều mặt của thanh niên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đời sống văn hoá tinh thần của phần lớn thanh niên, nhất là thanh niên công nhân, nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực trẻ nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tham mưu tạo cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng tài năng trẻ…

Thứ ba, vai trò của Đoàn tham gia bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số, thực hiện các chính sách đối với thanh niên tôn giáo chưa rõ nét.

Phát huy vai trò của thanh niên

Để phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, tuổi trẻ Việt Nam cần thực hiện nhiều nội dung, giải pháp.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh, thiếu nhi.

Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc; có đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội.

Xây dựng, phát huy và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi…

Hai là, tăng cường tuyên truyền nội dung học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng, của Đoàn, lý luận chính trị, giáo dục kiến thức pháp luật bằng các hình thức sân khấu hóa, hội thi trực tuyến, hội diễn để thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia…

Đấu tranh với các hành vi, biểu hiện phản văn hóa, văn hóa phẩm độc hại. Triển khai các công cụ truyên truyền trên mạng xã hội, góp phần tạo không gian và môi trường lành mạnh, thúc đẩy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp cho thanh thiếu niên.

Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá.

Thanh niên và sứ mệnh xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới ảnh 4

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã tôn vinh nhiều thanh thiếu nhi tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực; góp phần phát hiện tài năng trẻ, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Ba là, tổ chức các hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên; tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm về văn hoá dân gian, văn học nghệ thuật trong cộng đồng, trường học… Vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan.

Bốn là, đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, trong đó phát huy vai trò của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi… Các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn tăng cường các tuyến tin, bài giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá, thúc đẩy thói quen đọc sách theo hướng trẻ trung, hiện đại, bắt nhịp với thị hiếu, xu hướng mới của giới trẻ.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; quan tâm tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu nhi; đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa tại địa phương, cơ sở; có cơ chế gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc...

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo… Tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai Đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” nhằm thu hút, ưu đãi đối với đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.