Thắng, bại đêm nay

0:00 / 0:00
0:00
Thắng, bại đêm nay
TP - Rạng sáng qua 12/6/2021, gần 17 ngàn cổ động viên có mặt chứng kiến lễ khai mạc và trận đấu mở màn Vòng chung kết Giải bóng đá châu Âu (EURO 2020) diễn ra trên sân vận động Olimpico (Rome, Italia) vốn có sức chứa hơn 72 ngàn chỗ.

Không phải ai cũng có “hộ chiếu” vắc-xin. Và vẫn chưa phải lúc con người ta được phép ngồi sát vào nhau, hòa lẫn vào nhau.

Sự kiện của năm 2020, ghi tên năm 2020 nhưng diễn ra vào mùa hè năm 2021! Với những khác biệt chưa từng có. Một kỳ chung kết EURO không có nước chủ nhà, phải chia ra đá trên 11 sân cỏ tại 11 quốc gia khác nhau khắp lục địa già. Nên vòng loại trước đó không có đội tuyển nào có tư cách chủ nhà để được quyền vào thẳng vòng chung kết. Lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu này, trợ lý trọng tài video (VAR) sẽ được sử dụng. Khán giả, ngoài vé vào sân trong tay, còn phải có thẻ đã tiêm chủng vắc-xin trong túi,...

Thứ virus quái quỷ xé nhỏ cuộc chơi của loài người, biến sân cỏ trở thành không gian riêng tư đơn độc của 22 cầu thủ cùng trái bóng, giờ bỗng lại trở thành vận may để cho những fan hâm mộ nhiều quốc gia khác nhau có thể vào sân nhà dự khán trực tiếp những trận tranh hùng bóng đá đỉnh cao giữa đại dịch. Tất nhiên không phải tất cả, bởi có đến hơn một nửa đội tuyển trong số 24 anh tài không được đá trên quê hương mình.

Để thấy giải bóng đá khổng lồ có lịch sử vừa tròn 60 năm bằng một hoa giáp đời người, mọi thể thức hoàn toàn có thể thay đổi. Như mọi vở kịch mang tên lịch sử mà nhân vật trung tâm là loài người, vẫn không dừng lại, dù diễn ra/xảy đến bằng những thể thức khác nhau.

“We Are The World” vang lên từ hơn 3 thập kỷ trước trong chiến dịch cứu đói châu Phi, và “We Are The Peole” – ca khúc chính thức của kỳ chung kết EURO kỳ dị giữa đại dịch này, khác gì nhau? Đều nghe thấy từ đó nỗi lòng da diết khắc khoải của nhân loại trước nguy biến, dù là cả thế gian rộng lớn hay với từng sinh thể bé nhỏ.

Điệp khúc “We are the people we've been waiting for” (Chúng ta là những người mà chính chúng ta đã chờ đợi) không thực sự rộn rã reo vang mà chất chứa tự sự. Đại dịch khiến mỗi chúng ta trông chờ vào một bản thể khác xuất hiện từ chính mình. Không phải chỉ những đấu sĩ sân cỏ và kết quả thắng bại đêm nay, mà còn từ trái tim đau, từ hận thù, bóng đêm và những cuộc chiến lớn nhỏ trên mọi mặt trận.

Ừ, chờ đợi và không dừng lại. Ngay phút giây lễ khai mạc EURO 2020 vừa mở màn, đội tuyển quốc gia của chúng ta cũng khép lại trận đấu đi tiếp tại vòng loại Worl Cup 2022, với việc hạ gục Malaysia bằng tỷ số sát nút 2-1.

Kịch tính của một trận đấu, một giải đấu, một đời người và rất nhiều những gì lớn hơn thế, có thể may mắn chạm lại chút vết tích vào bụi mờ lịch sử. Nhưng lịch sử lại luôn là thứ nằm ngay trong tay mỗi chúng ta, như chính gương mặt, số phận chính mình mà tự mình tìm kiếm và định đoạt.

“We are the people we've been waiting for”, hiếm có ca từ nào toát lên sự sâu sắc và thông thái đến vậy. Không chỉ trên sân cỏ và trái bóng tròn.

Có lẽ đến lúc Ban tổ chức phải viết lại một cách đầy đủ là Vòng chung kết EURO 2020-2021, để lịch sử còn lưu lại chính xác mốc thời gian. Dẫu vẫn biết thời đại này, nhân loại này và mỗi chúng ta nhiều lúc sẽ còn phải lặp lại những dãy số phi thời gian kiểu ấy.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.