Nơi gặp gỡ của vài cái đầu tiên
“Hồi đó Hà Nội chưa có trung tâm dạy khách du lịch nấu món Việt như trong Hội An, Sài Gòn” - bà Tracey Lister người Úc kể - “Nên khi quay lại Việt Nam lần hai, tôi thuê nhà mở Hanoi Cooking Centre (HCC). Đã 5 năm rồi”.
Tracey là đầu bếp có thâm niên. Sang Hà Nội lần đầu năm 2000 cốt để dạy nấu ăn cho trẻ em đường phố, Tracey mê luôn các món Việt vốn “đặc biệt thú vị khi luôn có sự cân bằng giữa các gia vị”. Theo bà ẩm thực của người Việt không chỉ ngon ở món ăn mà còn quý ở cách gia đình quây quần bên bàn ăn mỗi tối, điều mà những người Úc vốn ưa sống độc lập ít làm.
Tracey Lister cùng chồng là nhà báo Andreas Pohl làm một Hành trình bếp núc xuyên Việt Nam - tên cuốn sách nấu ăn du ký bán chạy bên Úc và nhiều nước khác của vợ chồng Tracey với các bức ảnh chụp món ăn Việt hết sức “ngon mắt” của Michael Fountoulakis.
Để thực sự hiểu tinh thần, tinh túy của ẩm thực Việt Nam, Tracey theo học nữ đầu bếp nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Đến giờ bà vẫn cảm thấy vui vì quyết định đó, bên cạnh một quyết định khác: cho Bookworm thuê ké.
“Hiện tại khách du lịch đến Việt Nam đang giảm so với các năm trước do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, dịch Ebola, tình hình biển Đông. Trước đây chỉ khách nước ngoài mới quan tâm đến Hanoi Cooking Centre. Giờ chúng tôi đang phát triển café sách và làm tiệc để thu hút người Việt”.
Tracey Lister
Nữ văn sĩ Pamela Scott - tác giả cuốn Hanoi Stories (Những câu chuyện về Hà Nội) - đặt hiệu sách tiếng Anh second hand đầu tiên dành cho Expat (người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội) cái tên Bookworm hay Mọt sách. Cửa hiệu lúc đầu ở 15A Ngô Văn Sở và Pamela cũng chỉ là người chủ đầu tiên. Số phận “nàng mọt sách” khá truân chuyên. Từ Pam (tên thân mật của Pamela Scott) sang Marie Ryan - làm bên y tế công cộng - rồi tới vợ chồng Robert Boulden và Sally Marsh. Từ Ngô Văn Sở sang 4B Yên Thế, cuối cùng mới “định cư” tại 44 Châu Long.
“Trộm vía là nếu mọi chuyện thuận lợi...” - Hoàng Văn Trường, con đỡ đầu của Robert và Sally cũng là chủ hiện tại của Bookworm nhấn mạnh. Bố mẹ nuôi anh quan hệ khá thân thiết với Tracey. Sự hợp ý đôi bên biến HCC - Bookworm thành tổ hợp du lịch ẩm thực - văn hóa, điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách Úc.
Góc Việt Nam ở Bookworm. Ảnh: Trung Dũng.
Du lịch từ chợ về nhà
Một lớp dạy nấu ăn thường kéo dài ba tiếng rưỡi đến bốn tiếng. Tracey thích đưa học viên của bà ra chợ Châu Long gần đó mua nguyên liệu chế biến. “Tôi thích chợ vì thực phẩm tươi mới không như siêu thị bên Úc. Chợ Việt Nam còn thể hiện văn hóa tín ngưỡng. Mùng Một ngày Rằm thấy rất rõ, đồ bán khác hẳn ngày thường”.
Thân thiện, thực tế là cách Tracey tạo sức thu hút cho HCC. Ngày nào cũng có 10-15 khách đặt tour chỗ bà. “Không có nhiều khó khăn khi mở nhà hàng vì người Việt tử tế hiếu khách. Cái khó đôi khi lại từ mong đợi của khách. Có người lần đầu đến Việt Nam, cũng lần đầu cầm dao thớt nhưng vẫn muốn làm ra một món ăn Việt thật ngon” - Tracey cười.
Không làm được, chẳng sao. Có sẵn café sách cho họ thư giãn sau vài giờ mệt nhọc. Còn Bookworm dành một gian trên tầng 2 - nguyên chủ đề Việt Nam. Biết đâu thêm vài giờ nhẩn nha với sách, họ có thể quay lại bếp của Tracey khiến tất cả ngạc nhiên bằng một món ăn đậm chất Việt.
Người ta vẫn gọi Bookworm là cái thư viện nho nhỏ, nơi giao lưu văn hóa của người nước ngoài với nhau và với người Việt. “Có tới một phần ba khách Việt trẻ thích đọc sách tiếng Anh, trong đó rất đông học sinh cấp 3. Dân expat thì đương nhiên, vừa là khách hàng vừa là nguồn cung sách. Cả mấy ông đại sứ tại Việt Nam cũng tới hay mua” - anh Trường nói - “Sách bán chạy nhất là cuốn Wandering through Vietnamese culture (Lãng du văn hóa Việt) của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc viết bằng tiếng Anh”.
Từ ngày chung nhà với HCC, Bookworm tăng kha khá lượng khách hàng. Còn với Tracey Lister, cái “lộc” lớn HCC mang lại là nhờ nó, bà được gặp thần tượng Michel Roux. Tracey có dịp đưa đầu bếp huyền thoại người Pháp đi thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội. Bà học được rất nhiều từ sách dạy nấu ăn của ông và trả ơn “người thầy” bằng chính các món ăn mình yêu thích.