Cái thú cheo leo
Khải “híp” - phượt thủ lập dị thích lang thang Tây Bắc quyết định tặng quà sinh nhật chính mình bằng một… quả mạo hiểm. Leo vách núi không cần dây bảo hộ. Tự tin với kỹ thuật free climbing (leo tự do) mà cũng vài lần suýt nữa thì... Khải kể lại: “Bạn bè đứa nào cũng mắng là điên. Nhưng không thử thì sao biết được cảm giác cheo leo trên vách nó hay thế nào”.
Mạo hiểm nhiều khi là cái thú. Chẳng thế mà các môn thể thao mạo hiểm cứ ra đời đều. Người Thụy Sĩ còn biến hẳn con đập cao trên trăm rưởi mét thành bức tường leo núi để câu kéo các thành phần ưa tìm cảm giác mạnh như một cách quảng bá cảnh quan tuyệt vời của dãy Alps.
Leo núi thể thao ở ta khởi đầu từ việc leo tường nhà. Vài năm gần đây cái tên VietClimb đã quen thuộc với nhiều người. Mới tới CLB leo núi này, thấy chán. Vài bức tường gắn mấu xanh xanh đỏ đỏ, chấm hết. Khó tin bình chọn của trang cẩm nang du lịch TripAdvisor luôn đặt VietClimb lên đầu các địa điểm du lịch Hà Nội.
Hỏi kỹ mới biết các điểm xanh xanh đỏ đỏ kia tạo thành đường leo khác nhau, khó dễ tùy sức mỗi người. Nói chung phải tập phải biết mới ham. Mà các đường leo lại được thay đổi hàng tuần khiến người tham gia luôn thấy mới mẻ. Theo quản lý thì CLB là điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài. Hôm nào mưa bão y như rằng đông khách. Hay các đoàn tới Hà Nội mà chưa xếp được lịch, có thể tới đây chơi cả ngày. Lớn nhỏ đều hào hứng.
“Một chỗ tuyệt vời giúp bạn luyện tập sau giờ làm việc. Cuối tuần họ thường tổ chức các chuyến đi leo núi khu vực miền Bắc. Có cơ hội khám phá Việt Nam một cách chủ động với rất nhiều bạn bè quốc tế” - anh Leo, người Hungary nhận xét.
Muốn leo cũng khó
Trong leo núi thể thao, món Deep water soloing (leo tự do rồi thả mình xuống nước) được chuộng nhất. Cứ ra Hạ Long, Cát Bà, chèo thuyền Kayak tới điểm được chọn rồi leo lên. Không cần dụng cụ, mỏi thì thả mình rơi xuống nước. Xét tính an toàn thì chỉ cần nước đủ sâu là ổn.
“Đi công tác Hà Nội vài ngày, tôi tranh thủ tìm chỗ leo trong nhà . Tôi kiếm được những đường leo đa dạng, đầy thử thách đồng thời tham gia chuyến “deep water soloing” ngoài Hạ Long vào cuối tuần. Rất dễ chịu. Một cách tốt để tham quan vịnh Hạ Long hơn là bị đóng hộp trên những chiếc thuyền du lịch”.
Thành viên Kierskia (Georgia, Mỹ) - phản hồi trên TripAdvisor
Ngoài ra có các chuyến leo núi đường trường, leo vách với dụng cụ hỗ trợ. Tuy nhiên để phát triển được khu du lịch chuyên biệt thì không hề dễ dàng. Như VietClimb từng làm nhiều đường leo trên Hữu Lũng (Lạng Sơn) song từ việc xin giấy phép hoạt động tới phổ biến địa điểm đều khó khăn. Nguyên nhân bởi môn này mới, dễ tạo cảm giác e ngại mất an toàn trong khi khách Việt ít, chủ yếu nước ngoài. Yếu tố nước ngoài là một vấn đề.
“Cái này khác hẳn với leo núi (leo bộ) đơn thuần. Chúng tôi cố gắng tìm sự hỗ trợ từ Tổng cục Thể dục Thể thao nhằm đưa nó trở thành môn thể thao chuyên nghiệp” - anh Jean Verly người Pháp gốc Việt sáng lập CLB cho biết.
VietClimb đã phối hợp Tổng cục TDTT tổ chức thành công Giải leo núi trong nhà toàn quốc. Có điều Jean muốn giữ hình thức phòng tập thay vì lao ra ngoài làm du lịch. Sự cẩn trọng có lý khi khu Bửu Long (Đồng Nai) đầu tư lớn vẫn trầy trật trong khai thác, cần có thời gian để một môn thể thao mạo hiểm được cộng đồng đón nhận.
“Dân du lịch Việt nghe nói cũng tò mò muốn thử, nhưng chơi được hay không là chuyện khác. Khách Tây thì đam mê sẵn, biết chơi từ bé rồi” - chị Thắng quản lý CLB kết luận. Dù sao hiện tại mọi thứ đang thay đổi. Dân ta đã quan tâm hơn tới leo núi thể thao, nhất là người trẻ.