Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
Quyết định được đưa ra sau khi Bộ VHTTDL nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ di tích, gửi về Bộ thông qua Cục Di sản văn hóa.
Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu, cách trung tâm TP. Huế khoảng 40 km. |
Nằm cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc, Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009. Theo sử liệu, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Lúc đầu, làng có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang. Ðến đời vua Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, thể hiện mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.
Làng Phước Tích nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm gốm. Gốm ở Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền, mịn và tinh xảo. Tất cả sản phẩm gốm cổ đều được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa.
Làng Phước Tích nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm gốm. |
Một nét đặc trưng khác ở đây là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp, gọn gàng. Phước Tích hiện còn nguyên vẹn 38 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà thờ họ, phái, 26 nhà ở của dân.
Các sản phẩm du lịch hấp dẫn ở làng Phước Tích là tham quan nhà vườn cổ, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng... Dịp Tết Nguyên đán 2024, làng cổ Phước Tích đón khoảng 1.870 khách về tham quan, tổng doanh thu du lịch đạt 135 triệu đồng.
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi Bộ VHTTDL về việc đề nghị thỏa thuận chủ trương nâng cấp xếp hạng di tích làng cổ Phước Tích lên di tích quốc gia đặc biệt.