Du lịch nghệ thuật - Hiếm vì khó

TP - Làm art tour hay du lịch nghệ thuật nôm na là đưa khách tới các địa điểm trưng bày hoặc sáng tạo nghệ thuật - chủ yếu mỹ thuật. Xem tranh, trò chuyện với họa sĩ địa phương trong xưởng vẽ đủ hấp dẫn cho du khách sành móc ví khoản tiền không nhỏ.
Du lịch nghệ thuật - Hiếm vì khó ảnh 1

Home stay ở làng nghề. Nguồn: Art Tour Vietnam

Hơi bị Vip

Anh Nam, giám đốc một công ty lữ hành cho biết du lịch nghệ thuật ở Hà Nội phần nhiều do mấy ông họa sĩ tổ chức. Loại hình tour này kén khách, kén cả địa điểm đón khách. Thiếu am hiểu dễ phản tác dụng. Một dân làm du lịch khác cũng bảo có khách đặt thì đi chứ khó chuyên sâu khai thác. Công ty chuyên tổ chức du lịch nghệ thuật khá hiếm: trong Nam có Sophie’s Art Tour, ngoài Bắc là Art Tour Vietnam.

Art tour thường lấy hội họa làm trọng tâm, cũng thường rẽ làm hai nhánh: Ngắm nghía hay trực tiếp xía vào làm. Những người thích tập làm họa sĩ sẽ được mời tới xưởng vẽ, tự tay pha màu quệt cọ. Còn họa sĩ thực thụ đứng bên, tư vấn khách làm sao để cho ra được một tác phẩm đúng nghĩa, chưa bàn xấu đẹp.

Nhóm khách không thích lem nhem màu vẽ dĩ nhiên đông hơn. Nhà tour đưa họ đi từ chung đến riêng. Trước thăm bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – nơi quy tụ các trường phái mỹ thuật Việt từ xưa đến nay. Sau mời đến nhà một họa sĩ đương đại, uống café trò chuyện. Chuyện hội họa và chuyện đời. Với tác giả quá cố thì những bức tranh sẽ thay lời gia chủ.

Thời gian dành cho các hành trình nghệ thuật này kéo dài chừng nửa ngày, giá cả rơi vào khoảng giữa năm mươi đến một trăm đô Mỹ. Hơi bị Vip. Song tiền nào của nấy. Khách phản hồi tốt. Nhất là khách phương Tây muốn tìm hiểu về hội họa của Đông Nam Á, mỹ thuật Việt Nam.

Cũng có hình thức tour mix (tổng hợp) giữa du lịch nghệ thuật và home stay (khách ở nhà dân địa phương) đi thăm rồi nghỉ qua đêm tại các làng nghề truyền thống như làm gốm sứ, tranh sơn mài…

Có thể mix luôn chuyện vừa ngắm vừa làm. Đây cũng là hướng đi của Art Tour Vietnam do hoạ sĩ Trần Dân làm chủ. Qua đó du khách trải nghiệm đời sống sản xuất ở các làng nghề thủ công và quá trình sáng tác của các nghệ sĩ. Trên facebook của anh có nhiều bức ảnh ghi lại chuyến đi tour với cảnh làng quê đẹp và thanh bình.

Cửa ngách kén khách

“Art tour không được book nhiều vì không phải khách nào cũng “tiêu hóa” được. Bù lại đa phần là khách cao cấp khả năng chi trả cao. Nhiều người có địa vị trong xã hội, doanh nhân thành đạt. Kiến thức của họ tốt, đôi khi giúp họa sĩ có hướng nhìn mới, phong phú hơn trong sáng tác. Cũng là một cách để họa sĩ giới thiệu tác phẩm của mình với bạn bè quốc tế”.
Anh Đức - đại diện công ty lữ hành Vidotour

Bên cạnh việc họa sĩ tự đứng ra tổ chức tour thì các công ty du lịch lớn, thị trường khách đa dạng thường có thiết kế riêng tour nghệ thuật dành cho khách của họ, mang tính unique (độc nhất). Để làm được việc này, họ khai thác các khía cạnh mỹ thuật nghệ thuật khác nhau, phối hợp với các họa sĩ khác nhau.

Mấy năm gần đây kinh tế khó khăn chung nên khách phải căn ke. Đã tới Hà Nội hầu hết nhắm tới Văn Miếu, Lăng Bác, Chùa Một Cột hoặc Hỏa Lò. Còn thừa thời gian mới ngó tới các “ngách” khác như art tour. Đương nhiên không kể mấy người đam mê hội họa đã book (đặt) dịch vụ sẵn từ nhà.

“Mình ra nước ngoài, Myanma chẳng hạn, cũng muốn tìm phòng tranh ngắm tác phẩm và trò chuyện với họa sĩ bên đó” – họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết. Thỉnh thoảng tiếp khách tour tại gallery của mình, anh Phương thấy vui: “Mình làm tùy hứng thôi, lâu lâu có người đến giao lưu. Nổ như pháo rang liên tu bất tận. Khách đứng lên ra về. Khách vui. Chủ vui”. Theo anh thì việc này cũng là cách luyện kỹ năng giao tiếp.

Anh Đức, đối tác quen của họa sĩ Phương lý giải vì khách mê hội họa nên dễ tạo cảm hứng cho nghệ sĩ. Có điều họa sĩ cần khoảng lặng để sáng tác. Khách mà đến tối ngày thì dễ cụt hứng lắm.

Nghệ thuật vốn dĩ không đại trà. Art tour vì thế cũng khó thể đại trà. Chính là lý do ít đơn vị khai thác dù tình trạng thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo có chất lượng vẫn tràn lan.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.