Hiện vật độc bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày hoạt động cách mạng tại Trung Quốc
TPO - Triển lãm "Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc" giới thiệu tới công chúng hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, phản ánh sâu đậm thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến Trung Quốc, kết giao với nhiều bạn bè ở đây. Nhiều địa danh trên đất Trung Quốc còn ghi dấu chân Người.
Kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Trung Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước (11/11/1924-11/11/2024), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng xây dựng nội dung triển lãm Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc.TS Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - cho biết triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, trong đó có nhiều hiện vật độc bản, đặc sắc phản ánh sâu đậm quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc qua các thời kỳ.
"Ngày nay, những địa danh ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Quốc đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân Trung Quốc bảo tồn, phát huy giá trị. Những địa danh này trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, giao lưu hữu nghị cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ", TS Vũ Mạnh Hà nói.
Triển lãm gồm ba phần. Phần đầu lấy tên Dấu chân cách mạng - Khơi nguồn hữu nghị, phần hai có tên Khắp dải đất Trung Hoa - Khắc sâu tình hữu nghị. Phần thứ ba là Dấu ấn Hồ Chí Minh - Tình hữu nghị mãi trường tồn. Trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc là nơi Người có thời gian hoạt động cách mạng lâu nhất. Đây cũng là nơi Người kết giao nhiều bạn bè nhất.
Bộ sưu tập mèo sứ trang trí do hai người dân ở Bắc Kinh gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 6/1960.
Huy hiệu Đại hội công nhân giỏi Công ty sản xuất gang thép Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 10/1958.
Bản thảo bài thơ Người viết năm 1950 được lưu giữ cẩn thận.
Chiếc quạt có chất liệu là trúc và giấy, nan quạt được làm bằng trúc Tương phi - loại trúc quý ở vùng Hồ Nam (Trung Quốc). Quạt gồm 14 nan, dài 32 cm, giấy được quét nhũ màu vàng và được đựng trong hộp gỗ bọc vải. Đây là hiện vật Nguyên soái Diệp Kiếm Anh - người từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - tặng Bác Hồ. Một mặt quạt in màu bức họa hình ảnh bộ đội Giải phóng quân đang lao động, giúp đỡ bà con dân tộc. Mặt còn lại là lời đề tặng cùng bài thơ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh viết tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung Quốc.
Tranh tứ quý do Ủy ban Học viện Đường sắt Đường Sơn gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Người.
Hộp đựng cây linh chi in hình Chủ tịch Mao Trạch Đông do Đội nữ dân quân Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 3/10/1966, bà Âu Mộng Giác, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông sang dự lễ quốc khánh Trung Quốc tại Việt Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một số tặng phẩm như lẵng đựng hoa quả, lọ cắm hoa...
Triển lãm Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 11/11 đến hết tháng 4/2025.