Tàu ngầm Mỹ va chạm 'vật thể lạ' ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22)
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22)
TP - Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) của Mỹ va chạm với vật thể không rõ ở Biển Đông xảy ra hôm 2/10, nhưng mấy ngày sau mới được công bố, truyền thông Mỹ giải thích sự trì hoãn này là để chiếc USS Connecticut có thời gian quay trở lại căn cứ Guam.

Quan chức hải quân Mỹ nói họ cho rằng không phải Trung Quốc gây ra vụ va chạm; còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cáo buộc Mỹ “cố tình trì hoãn và che giấu các chi tiết của sự việc”.

Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ khoảng 15 người bị thương nhẹ, như bị bầm tím và có vết rách. Hai người trong số đó thương tích được xếp vào loại “trung bình”. Các quan chức nói thêm rằng chiếc tàu ngầm đang đi về Guam để kiểm tra thêm và cho đến nay, vẫn chưa rõ tàu ngầm đã đâm phải cái gì.

Quân đội Mỹ hôm 7/10 cho biết, vụ việc không gây ra thương tích nào nguy hiểm đến tính mạng. Người phát ngôn của Hải quân Mỹ tuyên bố rằng họ đang kiểm tra thiệt hại của tàu ngầm và điều tra sự cố, đồng thời tuyên bố rằng “tàu ngầm vẫn ở trong trạng thái an toàn và ổn định” và nêu rõ trong tuyên bố: “Thiết bị lò phản ứng hạt nhân của USS Connecticut không bị ảnh hưởng, vẫn đang hoạt động bình thường”.

Tờ Washington Post đưa tin rằng vụ va chạm tàu ngầm đã xảy ra vào thứ Bảy tuần trước 2/10, nhưng chỉ được công bố sau vài ngày để con tàu có thời gian quay về căn cứ ở đảo Guam.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/10 đã lên tiếng phản ứng về vụ việc. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều hôm đó: “Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự cố”, nói rằng Mỹ, với tư cách là bên liên quan, nên làm rõ các chi tiết của sự cố, bao gồm cả vị trí cụ thể xảy ra, ý đồ di chuyển của tàu Mỹ và tình tiết của vụ đâm va: rốt cục điều gì đã xảy ra, liệu có gây ra rò rỉ hạt nhân hay không, liệu có gây hại cho môi trường biển thực địa hay không...

Về vụ tai nạn, ông Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ ba điểm: “Thứ nhất, trong một thời gian dài, Mỹ đã gây sóng gió ở Biển Đông dưới chiêu bài “tự do hàng hải”. Đây là nguyên nhân sâu xa của vụ việc và là mối đe dọa nghiêm trọng và nguy cơ lớn đối với hòa bình và ổn định khu vực.

Thứ hai, lần này Mỹ đã cố tình trì hoãn và che giấu chi tiết vụ va đập, thiếu minh bạch và vô trách nhiệm.

Thứ ba, Mỹ và Vương quốc Anh gần đây đã quyết định hợp tác giúp Australia, một quốc gia không có vũ khí hạt nhân phát triển tàu ngầm hạt nhân, ngang nhiên mở rộng vô nguyên tắc tàu ngầm hạt nhân ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Động thái này sẽ tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, kích động chạy đua vũ trang, phá hoại việc xây dựng khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, và khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân cũng sẽ tăng lên đáng kể”.

Sau vụ va chạm chiếc tàu ngầm hạt nhân tình cờ được phát hiện thấy ở vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Thế giới bên ngoài dự đoán rằng vụ đâm va này có thể liên quan đến Trung Quốc, một cơ quan truyền thông thuộc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã diễn giải về điều này.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 9/10 đưa tin, hôm 3/10, vệ tinh Planet đã phát hiện một tàu ngầm nghi là chiếc USS Connecticut ở trạng thái đang tự di chuyển trên mặt biển ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 48,7 hải lý về phía đông nam. Từ đó suy ra vị trí chiếc tàu ngầm Mỹ gặp nạn nhiều khả năng là ở vùng biển gần Hoàng Sa.

Tổ chức tư vấn “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) của Trung Quốc ngày 8/10 đã công bố những bức ảnh về chiếc tàu ngầm Mỹ đang đi trên Biển Đông.

Mặc dù tuyên bố của Hải quân Mỹ về vấn đề này không tiết lộ thêm chi tiết, nhưng một quan chức Hải quân Mỹ giấu tên sau đó tuyên bố rằng vụ va chạm xảy ra ở Biển Đông. Thông tin do quan chức Hải quân Mỹ tiết lộ còn cung cấp giả thuyết rằng vật thể va chạm với tàu USS Connecticut “có thể là một con tàu đắm hoặc một container bị chìm”. Điều này cho thấy chiếc tàu ngầm hạt nhân khi đó đã ở rất gần đáy biển thì mới bị một con tàu đắm nằm dưới đáy biển đâm phải.

Bài báo cho biết dù không biết tàu USS Connecticut có gặp phải vấn đề hải đồ không chính xác hay không, nhưng sự việc này ít nhất giải thích tại sao phía Mỹ liên tục tức giận về việc tàu cá Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động của tàu đo đạc biển của Mỹ ở Biển Đông, khiến tàu Mỹ không thể vẽ được bản đồ địa hình đáy biển chính xác cho tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, gây hạn chế sự di chuyển của tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông. “Đằng sau vụ việc này là công lao của các ngư dân Trung Quốc”.

Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng chiếc USS Connecticut đã đâm va với một thiết bị thủy âm dùng để do thám tàu ngầm do Trung Quốc hoặc chính Mỹ thả dưới biển để dò tìm tàu ngầm của đối phương. Thậm chí có ý kiến cho rằng đó có thể là một chiếc tàu ngầm không người lái – loại thiết bị mà gần đây truyền thông Trung Quốc tuyên truyền quảng bá rất nhiều.

MỚI - NÓNG