Sách tới trường Hy vọng
Đầu năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, kéo dài trong 5 năm. Nhận thấy có sự chểnh mảng nhất định trong đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi, lãnh đạo HNVVN muốn tìm kiếm những tác phẩm chất lượng viết cho trẻ bên cạnh những tác phẩm kinh điển, ăn khách của các nhà văn đi trước. Song hành với cuộc vận động, Hội bước đầu thực hiện dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi học sinh khó tiếp cận với sách.
“Chúng tôi chọn lựa những cuốn phù hợp, có chất lượng nhất để in và bước đầu tặng sách cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa. Gần 20 nghìn cuốn được trao tặng các em học sinh ở một số điểm trường tiểu học. Chúng tôi ưu tiên những trường tiểu học ở các tỉnh miền núi, vùng nông thôn khó khăn. Các nhà văn, hội viên tại các vùng sẽ đề xuất những địa điểm, những ngôi trường mà học sinh rất cần sách”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch HNVVN cho biết.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa và họa sĩ Thành Chương trao tặng sách cho các em học sinh trường Tiểu học Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên Ảnh: NVCC |
Những cuốn sách đầu tiên được Hội trao tặng cho một ngôi trường vào cuối tháng 8. Dù ở thành phố Đà Nẵng nhưng ngôi trường này lại rất đặc biệt- trường Nội trú Hy vọng, nơi nuôi dạy những em học sinh mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, chủ trương tặng sách ở trường Hy vọng để các em có nghị lực vượt qua mất mát, có những giấc mơ đẹp cho cuộc đời mình đồng thời tạo dựng niềm đam mê sáng tạo cho các em.
Tập thơ thiếu nhi song ngữ Chúc ngủ ngon của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, dịch giả Rosy Giang Trần chuyển ngữ là một trong những cuốn tiếp theo được trao tới tay trẻ em ở vùng khó khăn. “Đây là niềm vui rất lớn của chúng tôi. Theo đuổi thể loại văn học thiếu nhi là một đam mê, vì thông qua đó tôi có thể chia sẻ một chút những giá trị sống nho nhỏ của mình cho các độc giả nhí. Và với mục đích thiện nguyện mà chương trình đưa sách miễn phí đến trẻ em vùng sâu và vùng xa mà Hội đang thực hiện, tôi tin đây là cách tốt nhất để lan tỏa cuốn sách đến đúng đối tượng đang cần vào lúc này”, Nguyễn Phong Việt nói.
Cùng ngày với sự kiện ở Đà Nẵng, đại diện HNVVN và Hội Xuất bản Việt Nam trao sách cho trẻ em ở bản Hua Tát (Sơn La)-địa điểm gắn bó với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cũng là nơi ông dạy học và sáng tác truyện ngắn đầu tiên Những ngọn gió Hua Tát.
Nhân lên điều tốt lành
Hành trình trao sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa được nối dài với chuyến đi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN và họa sĩ Thành Chương.
Họ cùng nhau “cõng” sách tới trường Tiểu học Phương Giao, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). “Có rất nhiều em chưa từng đọc sách và chưa từng có trong tay một cuốn sách. Những cuốn sách này không phải các em đi mượn để đọc mà đó là tài sản cá nhân của các em.
Vậy nên các em rất thích thú, sung sướng”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ với Tiền Phong. Ông là tác giả của bức minh họa rất đáng yêu trong Dế mèn phiêu lưu ký mới in.
Niềm vui nhận sách của trẻ vùng sâu Ảnh: QUANG THIỀU |
Các tác phẩm được chọn in trong dự án sách miễn phí đều là tác phẩm kinh điển, tác phẩm chất lượng tham dự cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Dự kiến, trong năm 2022, HNVVN sẽ in sáu đầu sách và chia thành hai đợt trao sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Ba đầu sách đầu tiên được chọn: Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi) và Năm đứa trẻ xóm đồi (Nguyễn Một). Đây đều là những tác phẩm nổi bật của văn học thiếu nhi, nhằm gợi mở, dẫn dắt trẻ vào thế giới của thiên nhiên, con người, tạo cho cho các em tình yêu, sự chia sẻ trong cộng đồng, giữa con người với con người và với thế giới thiên nhiên tươi đẹp.
Họa sĩ Thành Chương nói rằng, sách vẫn luôn là một kho tàng quý báu về kiến thức, về văn hóa góp phần làm nên tâm hồn một đứa trẻ. Để hình thành nên một con người có tình cảm, có nhân cách, có tư duy đều xuất phát từ những cuốn sách gắn liền với tuổi ấu thơ. Vậy nên, sự kiên trì, đều đặn trao sách đến từng em học sinh sẽ là cách gieo trồng, nuôi dưỡng tình yêu sách của mỗi đứa trẻ.
Ông Nguyễn Quang Thiều bùi ngùi kể, trên đường đến một tỉnh miền núi từng nhìn thấy những đứa trẻ đứng co ro bên đường trong gió lạnh bán củi. Chúng phải mất một ngày vào rừng lấy được hai bó củi, đứng cả ngày mới bán được với giá hơn 100 nghìn đồng. Với cuộc sống như thế, hỏi làm sao chúng có thể bỏ số tiền đó để mua một cuốn sách?!
Hoạt động trao sách cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa được nhiều tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm hưởng ứng với tình yêu, niềm hạnh phúc khi làm được những điều tốt đẹp. Hàng vạn cuốn sách miễn phí hằng năm chưa thấm vào đâu so với khoảng 25 triệu trẻ em trên đất nước, nhưng ông Nguyễn Quang Thiều nói vẫn phải làm, bắt đầu với từng đứa trẻ một ngay từ bây giờ.
“Tất cả những cuốn sách chúng tôi chọn in đều hướng đến những giá trị tốt đẹp, tạo dựng nền tảng nhân văn trong mỗi đứa trẻ. Chúng tôi tin, cứ bền bỉ hết ngày này qua tháng khác mang sách tới từng em ở những vùng miền xa xôi thì đến một lúc nào đó, vẻ đẹp và những điều tốt lành từ trang sách sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.