Tấm lòng người thầy khuyết tật

Thầy Hoàng Cảnh Giới chỉ bài cho học sinh.
Thầy Hoàng Cảnh Giới chỉ bài cho học sinh.
TP - Nhiều năm qua, tại thôn Giang Cách, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, Đắk Nông có một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Lớp học không bàn ghế, bụi phấn, bục giảng. Học sinh lấy nền nhà làm chỗ ngồi, thầy giáo thì di chuyển bằng xe lăn.

Giữa đường đứt gánh

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng năm 2005, anh Hoàng Cảnh Giới được phân công vào dạy tại trường Tiểu học Lê Văn Tám ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông.  Trường miền núi xa xôi, anh vẫn hăng hái vào Tây Nguyên nhận lớp. Vốn hiền hậu, nhiệt huyết, có năng lực, anh nhanh chóng được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Năm 2010, một năm sau ngày cưới vợ, trong lúc đi dạy về, anh Giới gặp tai nạn giao thông.

Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ nghèo khó lại càng thêm túng thiếu bởi chi phí thuốc men chạy chữa cho anh ngày một nhiều. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nhưng bác sĩ chỉ cứu được tính mạng anh, còn đôi chân dần bại liệt. “Sau vụ tai nạn, không thể đi lại được nữa, tôi vô cùng thất vọng, có lúc đã nghĩ quẩn”,  anh Giới tâm sự.

Sau đó, anh Giới nhận ra mình vẫn có thể dạy học. Trẻ em thôn Giang Cách đa số học yếu, những  em học giỏi thường không có điều kiện học thêm. Anh quyết định mở lớp dạy học miễn phí tại nhà.

Nối lại ước mơ

Lớp học không bàn ghế, bảng đen, bụi phấn nhưng luôn có đông học sinh. Để dạy, anh Giới di chuyển bằng tay trên chiếc xe lăn tự chế, làm từ hai tấm ván gỗ ghép lại, gắn bốn bánh xe ở phía dưới. Học trò ngồi bệt giữa nền nhà tập viết, tập đọc, làm toán say sưa.

“Em rất yêu quý thầy Giới. Thầy dạy dễ hiểu lắm, nhờ thầy em không còn sợ môn Toán nữa”, em Hoàng Đào Minh Tài, học sinh lớp 4, nói. Ông Lương Xuây Sây phụ huynh em Lương Tiến Hưng, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, kể: “Từ ngày biết lớp học của thầy Giới, cháu Hưng con tôi tối nào cũng đến học. Nhờ thầy chỉ dạy, cháu tiến bộ hẳn, vợ chồng tôi mừng lắm”.

Lớp học lúc đông nhất hơn 10 học sinh, có em học lớp 2, có em học lớp 4 và cũng có em chưa biết đọc, biết viết.

Ngồi trò chuyện, thỉnh thoảng, anh lại lấy tay nắn nắn đôi chân bị liệt cho đỡ tê buốt. Ngoài những giờ “lên lớp”, anh phụ vợ bán hàng tạp hóa, nấu ăn. Vượt qua nỗi đau, số phận, để khẳng định mình tàn nhưng không phế, người thầy ấy tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Ông Lê Thuần Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Drô, cho biết, gia đình thầy Giới là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù bị liệt cả hai chân, thầy vẫn tận tâm dạy học cho các em nhỏ trong thôn, xã. Chính quyền địa phương rất tự hào và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để thầy dạy học. Mới đây, Phòng LĐ-TB&XH huyện đề nghị với UBND xã kêu gọi các Mạnh thường quân chung tay hỗ trợ, giúp thầy mở lớp dạy văn hóa với điều kiện tốt hơn cho học sinh nghèo thôn Giang Cách.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".