Tai nạn giao thông: Nỗi đau dai dẳng- Bài 2:

Tai nạn giao thông và gánh nặng người còn sống

Bữa cơm nào vợ chồng anh Nghĩa cũng để phần cho hai đứa con gái đã ra đi mãi mãi. Ảnh: Ngô Bình
Bữa cơm nào vợ chồng anh Nghĩa cũng để phần cho hai đứa con gái đã ra đi mãi mãi. Ảnh: Ngô Bình
TP - May mắn thoát chết nhưng lao động chính trong nhà trở thành phế nhân, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai vợ, tương lai các con mịt mù. May mắn thoát chết nhưng nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần còn đó, ám ảnh khôn nguôi…

Mâm cơm vắng các con

Tìm đến nhà vợ chồng anh chị Hà Hiếu Nghĩa (SN 1987) và Trần Thị Minh Hiền (SN 1986) ở xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, nằm trên cồn Cù Lao Năm Xã lọt thỏm giữa dòng sông Tiền, cũng là lúc trời tối. Buổi cơm chiều của gia đình bắt đầu. Nghe tiếng gọi, anh Nghĩa buông đũa ra đón khách. Chân phải bị thương tật, anh bước khập khiễng khó khăn. Anh dẫn chúng tôi vào con hẻm ngoằn nghoèo, đầy bùn đất.

Mâm cơm của vợ chồng anh chị chỉ có mỗi nồi canh lõng bõng. Thấy chúng tôi thắc mắc sao có hai người mà đến 4 bát cơm. Chị Hiền giải thích, đó là bát cơm cúng hai đứa con. Bữa cơm gián đoạn khi nhắc đến câu chuyện tai nạn hơn một năm trước. Hôm 8/4/2014 là ngày định mệnh của gia đình khi về quê vợ Bình Thuận ăn đám giỗ, gặp nạn tại TPHCM. Tai nạn bất ngờ cướp đi hai con gái Hà Thị Kim Xuyến (9 tuổi) và Hà Thị Kim Tú (18 tháng tuổi), còn anh Nghĩa phải chống chọi với thần chết mới giữ được mạng sống.

Nhớ lại, chị Hiền đặt bát cơm xuống, trách móc bản thân: “Dành dụm được ít tiền nên gia đình không đi xe khách, mà đi xe máy, không ngờ lần về đầu tiên của nó cũng là lần cuối…”. Chưa dứt câu, chị nhìn xuống mâm cơm, nhìn hai bát cơm mà các con không còn ngồi cùng, rồi thần người ra.

Cách đây hơn 10 năm, anh chị lấy nhau rồi ra riêng lập nghiệp. Cha mẹ đông con, đất đai không nhiều nên chỉ đủ cất căn nhà nhỏ. Dù cuộc sống hai vợ chồng vất vả, hằng ngày phải đi làm thuê nhưng vẫn vui vẻ, hạnh phúc bên hai con. Hạnh phúc lớn dần khi đứa lớn học giỏi, ngoan ngoãn, đứa nhỏ kháu khỉnh, bụ bẫm. Vợ chồng cố gắng lo làm lụng để hy vọng sau này con cái có điều kiện ăn học thật tốt để đổi đời.

Thế nhưng từ ngày bị xe container cuốn cả gia đình vào gầm, vợ chồng anh suy sụp tinh thần, mất con như mất tất cả. Căn nhà nhỏ lạnh lẽo. Bà Hai, bà nội hai cháu, buồn bã nói: “Tội cho vợ chồng thằng Nghĩa, từ ngày con nó mất, cứ thui thủi không nói không cười. Ngày trước còn bé Xuyến, bé Tú trong nhà lúc nào cũng cười rộn rã”. Nhắc đến cháu, bà nói tiếp: “Con bé Xuyến nó ngoan lắm, nếu nó không mất thì năm nay đã học lớp 5 rồi. Nó học giỏi, cứ nói sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà. Thấy đi học xa, chú hai nó mua cho chiếc xe đạp để khi sang năm đạp đi học. Vậy mà, chiếc xe chưa chạy ngày nào thì nó đã đi xa”.

Ngồi cầm bức họa di ảnh hai con, anh Nghĩa rưng rưng nước mắt, không dám nhìn lâu. Tai nạn giao thông không chỉ cướp đi mạng sống của con cái, mà cướp luôn sự sống của cả gia đình anh.  Hơn một năm trôi qua, vợ chồng anh còn đau đáu với nỗi nhớ con, vẫn còn đó những ký ức ám ảnh. “Hằng đêm, trong từng giấc ngủ, mẹ nó vẫn hay mơ gọi tên hai đứa trong sợ hãi”, anh Nghĩa nói.

Ngôi mộ hai đứa trẻ nằm sau vườn nhà ông bác, nơi mà theo lời bà Hai “là chỗ để dành cho tôi với ông nội tụi nó khi chết”. Ngồi thất thần cạnh mộ hai con, chị Hiền day dứt: “Ngày mai táng con, cha mẹ không kịp về nhìn mặt lần cuối vì phải điều trị ở bệnh viện. Hơn tháng sau, về nhìn hai nấm mồ nhỏ mà lòng đau đớn lắm. Những ước mơ, dự định của con, của mẹ đã không còn”.

Đã nghèo lại gặp cái eo

Chúng tôi trở về Gò Công, Tiền Giang, nơi gia đình anh bán vé số tật nguyền Huỳnh Văn Cường (SN 1976) sinh sống với bao nỗi lo từ khi tai nạn “từ trên trời” giáng xuống. Từng là lao động chính trong gia đình nuôi ba con trai đang tuổi ăn học, phút chốc, anh trở nên tàn phế với đôi chân khập khiễng, lưng gù, tay chân chậm chạp, không thể làm việc nặng.

Tai nạn giao thông và gánh nặng người còn sống ảnh 1

Tai nạn giao thông không cướp đi mạng sống của anh Cường, nhưng khiến anh không thể lao động, gia đình nghèo càng thêm khó. Ảnh: Văn Minh

Khi anh đạp chiếc xe đạp cọc cạch ra thị xã Gò Công bán vé số giữa năm 2011, một chiếc xe máy từ trong hẻm lao ra tông trúng anh, hất anh văng ra đường. Anh bị gãy 3 xương ngực, xương đòn nhưng gia cảnh nghèo khó nên không có tiền mổ. Anh phải bó thuốc và không thể cử động mạnh, đôi vai dần sệ xuống, gặp nhiều di chứng. “Sáng sớm ngủ dậy là tức ngực khó thở lắm, tôi phải ngồi một lúc mới bước xuống được. Bác sĩ nói bị gãy ba cái xương ngực, xương đòn, bả vai phải mổ sắp xếp lại nhưng phải tốn mấy chục triệu mà không có tiền nên chỉ bó thuốc, đến nay vẫn chưa lành hẳn”, anh thở dài.

Ngồi trong căn nhà bếp xập xệ, nhắc đến ba con trai, đứa đang học lớp 10, đứa lớp 3, còn đứa út chuẩn bị vào lớp 1, anh Cường không giấu được giọt nước mắt khi nghĩ về tương lai của chúng. Trước khi xảy ra tai nạn, anh đi bán vé số ngày kiếm được hơn trăm nghìn trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi gặp nạn đến nay, mọi gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai người vợ Phạm Thị Thêm (SN 1977). Hằng ngày, chị thức dậy từ 4h30 sáng đi bộ hơn 5 km ra đường nhựa, đứng đợi xe đưa rước công nhân đến đón đi làm ở một khu công nghiệp tỉnh Long An.

Chị làm công nhân may, do công ty ít đơn hàng nên mỗi tháng chị chỉ được làm khoảng 20 ngày, lương chưa đến 3 triệu đồng. Những ngày không đến công ty, ai thuê gì chị cũng làm. “Công ty không có việc nên ngày nào cũng phải về sớm, lương không đủ cơm cháo hai bữa và ăn học cho ba đứa con. Có mùa người ta thuê thì làm, không thì đành ở nhà chắt chiu từng bữa ăn”, chị Thêm buồn bã.

Ngồi hâm lại nồi canh với mấy lát thơm, cà chua bên bếp, anh Cường cho biết, cả gia đình 5 người mỗi ngày chỉ dám mua 20 nghìn tiền đồ ăn. Ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn phải chịu cảnh thiếu ăn nên gầy nhom. Mỗi sáng, anh mua một ổ bánh mì rồi chia làm ba cho mỗi đứa một phần ăn cầm hơi đi học. “Trước khi bị tai nạn, hai vợ chồng làm lụng vất vả cũng tạm đủ để sinh hoạt. Từ ngày bị nạn, đến nay, tôi chỉ loanh quanh trong nhà, nấu cơm rửa chén, việc kiếm tiền đổ hết lên vai vợ”, anh Cường tâm sự.

Sau khi anh Cường bị đâm xe, trong nhà có gì đáng giá cũng phải bán hết để chạy vạy thuốc thang cho anh, nhưng di chứng vẫn còn, sức khỏe anh suy giảm, chẳng làm lụng được gì trong khi 3 đứa con đang độ tuổi ăn tuổi học. “Nhìn chúng nó vui đùa mà lòng tôi lo lắm, chẳng biết khi tôi nằm xuống, tương lai chúng nó thế nào”, anh Cường gạt nước mắt.

MỚI - NÓNG