Dự kiến trong chuyến thăm này, thủy thủ đoàn Hải quân Ấn Độ sẽ có các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao… với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân Việt Nam và các sở, ban ngành của TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cùng tàu Hải quân Ấn Độ sẽ diễn tập song phương tìm kiếm cứu nạn trên biển…
Tàu chiến Ấn Độ sắp thăm Việt Nam mang tên INS Sahyadri (F49) thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình đa nhiệm Shivalik. Đây là một trong những lớp tàu chiến hiện đại nhất Hải quân Ấn Độ hiện nay.
Con tàu được nhà máy Mazagon Dock Limited khởi công chế tạo năm 2003, hạ thủy năm 2005 và chính thức biên chế tháng 7/2012. Nó có lượng giãn nước toàn tải 6.200 tấn, dài 142,5m, rộng 16,9m, thủy thủ đoàn lên tới 257 người.
Tàu chiến tàng hình INS Sahyadri thăm Việt Nam được thiết kế trang bị kho vũ khí “khủng khiếp”. Đầu tiên là 8 tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos cực mạnh. Đây là một trong những loại tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
8 tên lửa BrahMos được thiết kế đặt trong các hầm phóng thẳng đứng trên tàu chiến INS Sahyadri. Nó có thể hạ mục tiêu cách 300km, tốc độ hành trình Mach 2,8-3, hệ thống dẫn đường radar chủ động, định vị vệ tinh cho độ chính xác gần như tuyệt đối. Với đầu nổ nặng 200kg cùng tốc độ bay nhanh không thể tưởng tượng, BrahMos có thể xé xác bất kỳ tàu chiến cỡ lớn nào trên thế giới.
Không chỉ có khả năng chống hạm mạnh, INS Sahyadri còn sở hữu lá chắn phòng không kiên cố. Cụ thể, con tàu được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung 3S90 Uragan (24 quả đạn dự trữ). Đạn tên lửa 9M38 của tổ hợp 3S90 đặt trên ray phóng đơn, thời gian tái nạp tự động mất 12 giây. Tầm bắn tên lửa đạt 30km, độ cao hạ mục tiêu 14km.
Nếu vượt qua lá chắn Shtil, tên lửa hành trình địch sẽ phải đối đầu với tổ hợp tên lửa phòng không Barak-1 chuyên trị chống các mục tiêu bay nhanh, cơ động cao như tên lửa diệt hạm. Loại tên lửa do Israel sản xuất này có thể hạ gục mục tiêu cách 500m tới 12km, độ cao 5,5km, tốc độ bay Mach 2,1 (32 quả đạn đặt trong bệ thẳng đứng).
Không chỉ Barak-1, ở tầm 5km, tàu chiến Ấn Độ còn được trang bị hai bệ pháo phòng không tốc độ cao AK-630 có tốc độ bắn đến 4.000 phát/phút, cự ly 4-5km.
Bên cạnh đó, khi cần tổ hợp pháo hải quân OTO Breda 76,2mm cũng có thể tham chiến chống mục tiêu bay với tầm bắn 16km, bên cạnh nhiệm vụ chống hạm. Loại pháo này do Italy sản xuất, có tốc độ bắn cao nhất 120 phát/phút.
Khả năng tác chiến chống tàu ngầm của tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam cũng rất đáng nể. Nó được trang bị 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm và hai bệ phóng bom chống ngầm RBU-600 (có thể đánh chặn ngư lôi, diệt người nhái phá hoại).
Ngoài ra, con tàu còn có thể chở tới 2 trực thăng săn ngầm hoặc vận tải đa nhiệm hạng trung.
Hệ thống cảm biến trên tàu là sự kết hợp tinh hoa công nghệ Nga - Israel và Ấn Độ.