Tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich được trang bị hệ thống phòng không tầm trung, tên lửa diệt hạm tầm xa sẽ đem lại sức sống mới cho Hạm đội Biển Đen.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich thuộc Project 11356 có lượng giãn nước toàn tải 4.035 tấn, được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên bộ, trên biển và trên không.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich được khởi đóng ở nhà máy Yantar (tỉnh Kaliningrad) vào ngày 18/12/2010, chính thức được hạ thủy vào ngày 14/3/2014. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 4 này.
Nhà máy Yantar đang đóng 4 chiếc khác gồm: Đô đốc Essen, Đô đốc Makarov, Đô đốc Butakov và Đô đốc Istomin. Còn chiếc Đô đốc Kornilov vẫn chưa được khởi đóng. Dự kiến, 5 tàu còn lại sẽ bàn giao lần lượt trong giai đoạn 2016-2018.
Cận cảnh siêu hạm Project 11356 Đô đốc Grigorovich của hải quân Nga. Tàu được thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trên biển, dài 124,8m, rộng 15,2m, mớn nước 4,2m, thủy thủ đoàn 190-220 người.
Con tàu được vũ trang rất mạnh mẽ với các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng được bố trí ở trước thượng tầng. Để chống tàu mặt nước, tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich trang bị 8 tên lửa hành trình siêu âm 3M-54TE Klub-N đạt tầm bắn hơn 200km, tốc độ siêu âm Mach 2,9m.
Trong tác chiến phòng không, lớp tàu này được trang bị tổ hợp tên lửa đối không tầm trung Shtil-1 với 3 module phóng thẳng đứng 3S90E. Mỗi module chứa 12 tên lửa 9M317E đạt tầm phóng đến 50km.
Nếu tên lửa địch vượt qua được tên lửa 3M917E thì chúng sẽ vấp phải lưới lửa của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không cao tốc Kashtan-M. Trên Đô đốc Grigorovich trang bị 2 module Kashtan-M, mỗi bệ chiến đấu lắp 2 pháo phòng không 6 nòng cỡ 30mm (tầm bắn 5.000m) và 8 tên lửa 9M311 đạt tầm bắn xa tối đa 10km.
Trong tác chiến chống ngầm, tàu hộ vệ Grigorovich trang bị 2 bệ phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000 và 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm. Có thể nói, khả năng tác chiến của Grigorovich ngang ngửa thậm chí vượt trội tàu hộ vệ, tàu khu trục của phương Tây.