Sự cố giáo dục': Ngộ nhận về quyền lực hay do bảo thủ

Những "sự cố giáo dục" gần đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng văn hóa học đường đang biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM với chủ đề "Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập" đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Mỹ, Nauy, Nhật Bản.

Thầy cô ngộ nhận về quyền lực

PGS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhìn nhận xã hội Việt Nam ngày nay có nhiều thay đổi: từ văn hóa ổn định chuyển sang hướng phát triển, kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường, tăng cường dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng các mục tiêu giáo dục vẫn không thay đổi.

Triết lý giáo dục vẫn giữ nguyên nên tính bảo thủ của văn hóa trước các biến động xã hội dẫn đến những "sự cố giáo dục" đang xảy ra ngày một nhiều trong văn hóa học đường và văn hóa xã hội hiện nay.

Việc quá đề cao vai trò người thầy xung đột sâu sắc với thực tế là nghề giáo viên (GV) có thu nhập vào loại thấp nhất, "chuột cùng sào mới vào sư phạm" nhưng phải lãnh trách nhiệm trở thành hình mẫu lý tưởng cho học sinh (HS) về mọi phương diện.

Hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình dẫn đến hiện tượng quái đản như trường hợp cô giáo lớp 11 ở huyện Nhà Bè không nói suốt 3 tháng đứng lớp, cô giáo lớp 3 ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng…

Sự cố giáo dục': Ngộ nhận về quyền lực hay do bảo thủ ảnh 1 Một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình. Ảnh mang tính minh họa

Quan hệ kinh tế thị trường và quá trình dân chủ hóa dẫn đến những phản ứng quá đà của một bộ phận phụ huynh, HS như HS lớp 8 ở Bến Tre bóp cổ cô giáo, HS lớp 12 ở Quảng Bình đâm thầy giáo, PH tát cô giáo ngay tại lớp học ở Hải Phòng, PH bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi 40 phút tại Long An…

Chạy đua... học thuộc lòng

Ông Thêm nêu lên thực trạng văn hóa học đường Việt Nam: Nền giáo dục truyền thống của Việt Nam tập trung truyền dạy kiến thức và rèn luyện lối sống tuân phục, tri thức chỉ được tiếp thu thụ động bằng phương pháp lấy thầy làm trung tâm.

Con ngoan theo nghĩa "vâng lời", trò giỏi theo nghĩa "thuộc bài" là mục đích phấn đấu và con đường đến thành công của HS-SV, trở thành triết lý giáo dục thực tế của xã hội Việt Nam truyền thống.

Mục tiêu trên thực tế vẫn là thi đỗ để lấy bằng, vẫn là phải được điểm cao, có địa vị cao trong xã hội. Hệ quả là người quản lý muốn có nhiều trò thi đỗ, điểm cao; thầy cô nhồi nhét kiến thức, bệnh thành tích lan tràn, dạy thêm học thêm trở thành vấn nạn, học trò chịu áp lực lớn, gần đây nhất là một học sinh học giỏi nhảy lầu tự tử.

Giả dối cũng lan tràn, đỉnh điểm là vụ Đồi Ngô ở Bắc Giang (tệ nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông), sao chép trong tiểu luận, luận văn gặp không ít ở bậc ĐH và sau ĐH…

Để đáp ứng được mục tiêu có địa vị cao trong xã hội, HS đua nhau học lên cao: trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 có tới 75% thí sinh tốt nghiệp THPT dự thi để đăng ký xét tuyển ĐH (trong khi vào những năm 80, số HS học ĐH ở Mỹ là 45%, ở Nhật là 38%, ở Pháp là 25%, ở Đức là 19%). Hệ quả là trong đội quân thất nghiệp ở Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm số lượng lớn (năm 2017 có 20 vạn cử nhân thất nghiệp).

Hướng đến giỏi theo nghĩa thuộc bài nên SGK ở mọi cấp phổ thông đến ĐH đòi hỏi phải ngắn gọn, học trò đòi ngắn gọn, nhà trường đòi ngắn gọn để... học thuộc lòng. Mọi đề thi kể cả tự luận đều có đáp án, mọi sáng tạo khác với đáp án đều bị điểm kém.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.