Sơn Đoòng: Địa đàng nơi trần thế

Sơn Đoòng: Địa đàng nơi trần thế
TP - Những gì danh giá nhất đều được dành tặng cho hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình) kể từ khi được phát hiện vào năm 2009: lớn nhất thế giới, tráng lệ nhất thế giới, nơi nên đến một lần trong đời...

Vậy Sơn Đoòng chứa trong mình những gì để được thế giới vinh danh hết lời đến vậy?

Đường đến Sơn Đoòng

Tôi đã may mắn được đến Sơn Đoòng trong chuyến khảo sát của Công ty Du lịch mạo hiểm Oxalis nhằm mở tour khám phá hang động lớn nhất thế giới này.

Đoàn có hơn 30 người, nhưng có mặt 3 nhân vật rất đặc biệt: Người đầu tiên phát hiện ra Sơn Đoòng, Hồ Khanh; người công bố Sơn Đoòng ra thế giới, Howard Limbert; và người chuẩn bị đầu tư vào Sơn Đoòng, Nguyễn Châu Á. “Là người sinh ra và lớn lên trên quê hương di sản, tôi mong muốn xây dựng Sơn Đoòng thành điểm du lịch đẳng cấp quốc tế, làm điểm nhấn cho du lịch Quảng Bình” - ông Á nói.

Từ km39 của nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt đầu tay xách, nách mang đổ xuống một con dốc sâu hun hút, mà người dân bản địa gọi là dốc Đoòng. Đường đi là những lối mòn len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh của Phong Nha - Kẻ Bàng. Hồ Khanh nói, xưa, đây là khu rừng đầy rẫy những hiểm nguy với vô vàn hổ, báo chực chờ con mồi. Không mấy thợ rừng dám đến, dù biết ở đây có rất nhiều sản vật quý giá. Và anh đã vô tình chạm cửa hang Sơn Đoòng, trong một lần tìm nơi trú ngụ vì lạc bạn vào năm 1991.

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc đoàn đến bản Đoòng. Đây là bản người dân tộc Vân Kiều có 6 hộ, 21 nhân khẩu. Họ sống biệt lập với bên ngoài, trồng lúa nước ven suối, bắt cá dưới khe và lấy mật ong trên những ngọn cây già.

Sau bữa trưa, trai tráng trong bản Đoòng được huy động giúp đoàn mang vác vật dụng vượt một con dốc dựng đứng. Phía bên kia con dốc là suối Rào Thương hiền hòa chạy ngoằn ngoèo dưới những bức tường đá vôi sừng sững. Mất 30 lần vượt suối Rào Thương, khi mặt trời khuất núi cũng là lúc đoàn chúng tôi đến cửa hang Én.

Sơn Đoòng: Địa đàng nơi trần thế ảnh 1

Hố sụt đã tạo nên một vườn địa đàng trong lòng hang cách mặt đất 400m

Hang Én cũng được thế giới biết đến bởi sự to lớn và hoành tráng của nó. Chỉ dài gần 2km nhưng hang Én có 3 cửa, riêng cửa phía Tây - Bắc cao đến 80m. Con suối Rào Thương lượn nhẹ trong lòng hang, lấp lánh như dải lụa nhờ hiệu ứng ánh sáng từ các giếng trời rọi xuống.

Hang Én được đoàn thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh ghi nhận vào năm 1994, tuy nhiên tộc người ARem bản địa đã sử dụng làm nơi trú ngụ hàng bao đời nay. Mặc dù đã rời hang đá về định cư ở bản 39 trên đường 20 - Quyết thắng, nhưng cứ vào ngày 15/5 hàng năm, người ARem vẫn trở lại hang Én để tổ chức lễ hội ăn chim én đã có từ thời xa xưa.

Vũ trụ thu nhỏ

Một đêm lửa trại, bắt cá ở suối Rào Thương, ngả lưng trong lòng hang Én và tỉnh giấc khi hàng vạn chim én vi vút vỗ cánh đi tìm mồi vào sáng sớm. Tiếp tục vượt rừng, trèo dốc đến 9 giờ, chúng tôi chạm đến Sơn Đoòng. Tiếng gió hú thổi từ cửa hang ra nghe đến rợn người.

“Chúng ta đang sắp chứng kiến một hang động khổng lồ mà tất cả các tài liệu của loài người chưa hề ghi nhận kể từ năm 2009 trở về trước. Nó không chỉ là hang động mà là một vũ trụ thu nhỏ. Ở đó có cả thiên đường, địa ngục, trần gian... đang chờ đón chúng ta khám phá và trải nghiệm” - Howard Limbert tự hào giới thiệu.

Sơn Đoòng: Địa đàng nơi trần thế ảnh 2

Lòng hang Sơn Đoòng chứa nhiều thạch nhũ đẹp và lạ mắt

Những dây thừng chuyên dụng được gắn vào vách đá và lần lượt từng người đu mình xuống lòng hang. Với độ sâu 80m, càng xuống sâu ánh sáng trời yếu dần, không gian cô đặc, một tiếng động nhỏ cũng tạo nên âm thanh vang vọng sâu thẳm.

Một cảm giác rùng mình như chạm cổng địa ngục. Những đèn pha chuyên dụng nhiều khi không thể rọi thấy trần, hoặc vách của hang, một sự huyền bí khó mô tả thành lời.

Ngay cửa hang đã có rất nhiều khối thạch nhũ với vô vàn hình thù đẹp mắt. Đi chừng 1km là một thác nước cao chừng 40m, đổ ào ào tung bọt trắng xóa. Để vượt qua nó, chỉ một con đường duy nhất là căng dây để đi trên đỉnh thác, nơi sâu nhất nước chạm đến thắt lưng.

Với độ sâu 80m, càng xuống sâu ánh sáng trời yếu dần, không gian cô đặc. Một cảm giác rùng mình như chạm cổng địa ngục.

Đi thêm chừng 500m, là một không gian rộng lớn, trần hang cao hơn 200m, bề rộng chừng 150m. Ở đây xuất hiện những đại thạch nhũ cao cả trăm mét được ví như tượng nữ thần tự do, hay những tòa nhà chọc trời ở New York... Cũng tại đây, ánh sáng từ hố sụt thứ nhất bắt đầu le lói ở phía trước.

“Cái đặc sắc của Sơn Đoòng là chúng ta không chỉ khám phá hang động, mà chúng ta còn được chiêm ngưỡng hệ động thực vật trong lòng hang. Các bạn hãy cố lên, phía trước là vườn địa đàng nơi trần thế” - ông Howard giới thiệu.

Hàng triệu năm trước, do biến động của địa chất dẫn đến gãy đổ trần hang, tạo nên một hố sụt khổng lồ soi ánh sáng xuống lòng hang, tạo nên một khu rừng xanh ngút ngàn rộng chừng 2ha. Ông Howard nói, đây là khu rừng trong lòng hang động có một, không hai trên thế giới, cách mặt đất hơn 400m. Nó có đầy đủ những loài thực vật nhiệt đới trên núi đá vôi, thậm chí có cả động vật bậc cao như khỉ, voọc hay chim chóc.

Theo ghi nhận của các nhà sinh vật học, sự sống ở đây vô cùng khắc nghiệt, không có đất, các hạt mầm đầu tiên đã phải tiết ra một hợp chất như axit, làm mềm đá vôi, tạo thành mùn để hấp thu dưỡng chất. Càng gần ánh sáng, cây cối xanh hơn, vươn cao hơn để đón được lượng ánh sáng mặt trời nhiều hơn. Những thân cây cổ thụ ở đây không to nhưng lại cao đến ba, bốn chục mét.

Khu rừng nằm sâu trong lòng hang, hai bên là vách núi dựng đứng che chắn nên ánh mặt trời chỉ đi qua nó đúng một giờ đồng hồ. Nếu tĩnh lặng để ngắm nhìn trong lớp sương dày đặc lúc ẩn, lúc hiện, chúng ta có thể thấy tia nắng di chuyển qua từng kẽ lá. Một tiếng chim hót cũng vang vọng đến lạ thường.

Rời vườn địa đàng, bước trên nền động như ruộng bậc thang chứa đầy nước, hoặc đầy những viên sỏi màu vàng tròn lẳn, khiến chúng ta có cảm giác như lạc vào một kho báu khổng lồ bị lãng quên. Đang đắm chìm giữa muôn vàn báu vật, bỗng một bức tường khổng lồ chắn hết lối đi. Bức tường này được tạo nên hoàn toàn bằng can xi tinh khiết, cao và rộng hơn 100m. Các nhà thám hiểm khi nhìn thấy bức tường quá đồ sộ, đã đặt tên nó là bức tường vĩ đại Việt Nam.

Ông Howard nói, vì nó quá hiểm trở và vách tường toàn là can xi nên độ bám của ốc vít néo dây không chắc, nếu không phải là các chuyên gia hang động thì không thể trèo qua. Theo ông Howard, phía bên kia bức tường có một hồ nước lớn, các măng đá nhô lên trên mặt nước như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Đi thêm 30 phút nữa là đến cửa sau của động Sơn Đoòng, hoàn tất chuyến hành trình khám phá trong lòng hang dài 8,9km.

1. Hãng truyền hình BBC khi làm phim về Sơn Đoòng đã nhận định: “Một thế giới kỳ diệu bị quên lãng, nơi chứa đựng những cảnh đẹp không tưởng, là tài sản thiên nhiên vô giá đối với hành tinh chúng ta”.

2. Còn chuyên gia hiệu ứng hình ảnh người Mỹ đã thốt lên sau chuyến hành trình khám phá Sơn Đoòng: “Thực sự không có nơi nào trên trái đất giống Sơn Đoòng. Có rất nhiều khung cảnh mà tôi chỉ biết chết lặng ngắm nhìn, không biết dùng lời nào mô tả”.

3. Sau chuyến khảo sát, được sự đồng ý của tỉnh Quảng Bình, Công ty Oxalis đã đưa 15 du khách đầu tiên vào Sơn Đoòng, với giá 3.000 USD/người, trong đó duy nhất một nữ du khách người Việt Nam. Để gìn giữ sự hoang sơ của Sơn Đoòng, tour du lịch này chỉ tổ chức mỗi tuần 1 chuyến với 8 du khách và 22 người phục vụ. Hiện, lượng khách đăng ký đến Sơn Đoòng đã đến hết năm 2016.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.