Sớm có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các cơ quan ban ngành chức năng sẽ nỗ lực nghiên cứu, đề xuất để đến cuối năm nay có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đất Tây Nguyên.
Sớm có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên ảnh 1

Quang cảnh hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên

Ngày 20/9, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên (Hội đồng điều phối). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối chủ trì hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, NN&PTNT, TN&MT, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc... và lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Các đại biểu thảo luận về kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2023 của Hội đồng điều phối.

Tại hội nghị, Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối, trình bày báo cáo về một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.

Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đã có những tham luận, nêu ra các thực trạng, khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp để cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ nhằm tạo động lực để Tây Nguyên phát triển.

Về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021–2030 cho Tây Nguyên, Hội đồng điều phối nhấn mạnh tới xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ vùng Tây Nguyên một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của vùng, địa phương; tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...

Trong đó, nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối, các dự án cao tốc...

Các đại biểu cũng nêu các giải pháp về tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp như chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế, gắn với trung tâm chế biến, ưu đãi thuế, điều chỉnh mức độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để Tây Nguyên bứt phá, phát triển, nhiệm vụ đầu tiên là kết nối giao thông giữa nội bộ 5 tỉnh trong khu vực và các vùng lân cận như TP.HCM và các tỉnh miền Trung.

Sớm có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị của Hội đồng điều phối. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phối hợp, cùng xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sinh kế cho bà con, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành quy hoạch vùng Tây Nguyên một cách hợp lý; nỗ lực nghiên cứu đề xuất để đến cuối năm nay có cơ chế đặc thù cho vùng đất “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”. Nói tới vùng đất Tây Nguyên, không chỉ nói đến phát triển kinh tế đơn thuần mà nói tới bình yên, ổn định và phát triển.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.