Những cây nêu linh vật của Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều cây nêu “linh vật” của 5 tỉnh Tây Nguyên đang được trưng bày tại khu triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” ven hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. Du khách vừa thưởng lãm, tìm hiểu phong tục lạ, độc đáo của các tộc người thiểu số sống giữa đại ngàn.
Những cây nêu linh vật của Tây Nguyên ảnh 1

Khu trưng bày cây nêu thu hút nhiều khách tham quan.

Nhiều tháng qua, Thiên đường Tây Nguyên, một địa điểm tham quan miễn phí là lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt.

Nơi đây trưng bày 5.400 hiện vật về văn hóa, đời sống của nhiều tộc người thiểu số thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên mà nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (65 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) đã sưu tầm trong 40 năm qua. Đây chỉ là một phần nhỏ trong “núi” hiện vật gồm 30.000 món của ông.

Những cây nêu linh vật của Tây Nguyên ảnh 2

Không gian ấn tượng của Thiên đường Tây Nguyên.

Đặc biệt, ông Tâm cùng các nghệ nhân Mạ, K’Ho, Gia Rai, M’Nông dựng những cây nêu đặc trưng, thường có trong các lễ hội tại không gian triển lãm.

Sống giữa đại ngàn với bao hiểm họa về thiên tai, thú dữ, bệnh tật… nên trong lễ hội, người Tây Nguyên thường dựng cây nêu như một “linh vật” kết nối với các thế lực siêu nhiên để cầu xin được che chở.

Mở đầu buổi lễ, chủ lễ bước ra trước giàn hiến tế khấn nguyện, mời các thần linh về chung vui. Sau khi khấn xong, chủ lễ đặt đầu con vật hiến sinh (lễ lớn thì giết trâu, lễ nhỏ thì lợn, gà…) lên giàn hiến tế và lấy máu của con vật này bôi lên cây nêu với ngụ ý gửi thông điệp mời thần linh đến nhận lễ vật, mong các vị hãy che chở cho dân làng.

Ông Tâm cho biết nếu như cây nêu người Việt thường được dựng vào dịp Tết Nguyên đán thì cây nêu của các tộc người thiểu số Tây Nguyên xuất hiện quanh năm ở hầu khắp lễ hội như bỏ mả, lập làng mới, cúng lúa mới, cũng bến nước...

Những cây nêu linh vật của Tây Nguyên ảnh 3

Cây nêu cúng mừng lúa mới của người M'Nông (tỉnh Đắk Nông).

Thể hiện nhân sinh quan và mang đậm dấu ấn văn hóa chủ thể sáng tạo nên cây nêu của các tộc người bản địa Tây Nguyên rất khác nhau.

Chẳng hạn, cây nêu cúng bến nước của người Ba Na (Kon Tum) thường làm bằng tre, cao từ 7-9 m, phía dưới chụm lại, trên xòe ra, với nhiều tua rua tượng trưng cho những bông lúa, mang khát vọng no đủ, trên cành treo các hình tượng con cá, đầu trâu.

Thân cây vẽ con rùa, tầng trên cùng có con chim sơn màu vàng và đỏ. Đế của cây nêu cũng là bàn cúng Yàng (thần linh).

Những cây nêu linh vật của Tây Nguyên ảnh 4

Ông Tâm bên cây nêu cúng bến nước của người Ba Na (tỉnh Gia Lai).

Già làng cùng người dân dựng cây nêu cúng bến nước lên để cầu mong nước luôn trong sạch, ngon, ngọt, dồi dào, không đứt mạch.

Nghệ nhân K’Mếk (ngụ huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho hay cây nêu trong lễ cúng lúa mới của người Mạ có nhiều bản gỗ khắc hình hạt lúa, khi treo trên các nhành cây sẽ tạo ra tiếng chuông gió, âm thanh dữ dội suốt ngày đêm. Cây nêu trông rất cầu kỳ, trang trí hoa văn trên thân, các cành khá dài, uốn dẻo mềm mại.

Theo ông Tâm, cây nêu của người Ê Đê thấp và cứng cáp nhất, chủ yếu làm bằng gỗ. Phần ngọn bao giờ cũng được đẽo nhọn hình bông chuối, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống.

Mỗi lần cúng, chủ lễ dùng dao khắc một vạch lên cây nêu. Do đó, chỉ cần đếm số vạch sẽ biết gia chủ cúng ít hay nhiều. Mỗi khi phần ngọn của cây nêu được sơn màu đen, nghĩa là gia đình đó có tang.

“Cây nêu của người K’Ho hay M’Nông cũng có những điểm khác biệt nhất định nhưng đều mang khát vọng về cuộc sống ấm no, xua đuổi tà ma. Nhiều cây nêu điêu khắc hình chim T’Lang, sứ giả mang ước nguyện của dân làng đến thế giới thần linh, cầu xin được bảo vệ trước cái ác, cái xấu”, ông Tâm giải thích.

MỚI - NÓNG