> Nhận biết bún sạch và bún có hóa chất
> Bún, bánh ướt đủ loại phụ gia độc hại
Thời buổi ăn gì cũng có nguy cơ nhiễm độc, cơ quan quản lý bất lực, người tiêu dùng bất an đành phải tìm cách tự bảo vệ theo lời khuyên của mấy nhà khoa học trên báo.
Nhưng đâu phải thứ nào cũng soi được như bún. Cả trăm loại thực phẩm khác như rau củ quả, thịt cá, giò chả... muốn ăn chỉ có mỗi cách nhắm mắt làm ngơ.
Có bạn đọc trên mạng thắc mắc, bún mua về nhà ăn mới soi được, chứ đi ăn hàng chả nhẽ khều bún trong bát nước dùng rồi móc đèn pin trong túi ra soi? Tóm lại người dân cần cơ quan chức năng chỉ cho họ chỗ bán bún sạch hơn là cách tự nhận biết bún sạch bằng... đèn pin.
Thời thực phẩm bất an tới mức, ai đi Âu- Mỹ về có mấy quả táo hay chùm nho xách tay thành quà quý, bởi quả táo tây mua trong nước không biết tẩm ướp thứ gì mà để cả tháng vẫn không thối. Vậy các nước này quản lý cách nào mà thực phẩm của họ sạch thế ?
Chắc hẳn rất nhiều vị quan chức của ta không lạ lẫm gì, vì họ đều đi học tập, tìm hiểu, tham quan các nước Âu-Mỹ không ít lần. Bà con Việt kiều ta mở nhà hàng, quán ăn ở Đức rất nhiều. Chủ một quán ăn ở Hamburg kể với người viết bài rằng, để mở quán này anh phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về VSATTP của Đức, từ sổ sách ghi chép nguồn hàng nhập về, nhiệt độ bảo quản thực phẩm (cả sống lẫn chín)... tới cái ống khói lọc chất thải.
Vi phạm hoặc bị khách hàng kiện cáo sẽ khó có cơ tồn tại. Luật nghiêm minh, viên chức thực thi công vụ mẫn cán và khó hối lộ chính là bí quyết tạo nên một thị trường đồ ăn, thức uống an toàn, sạch sẽ. Đặc biệt, Hội bảo vệ người tiêu dùng của Đức hoạt động rất mạnh và có uy quyền lớn với các nhà cung cấp.
Nói như vậy để thấy rằng, ngoài sự nghiêm minh của luật pháp, vai trò của các cơ quan dân sự như Hội bảo vệ người tiêu dùng tại các nước trên là rất quan trọng. Đáng buồn là, trong sự cố bún có chứa chất tinopal ở TPHCM vừa qua, thay vì quyết liệt truy tìm cơ sở sản xuất để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng lại sa vào cuộc “tranh cãi quyền công bố bún phát sáng”.
Theo báo Tuổi trẻ, vị Phó giám đốc Sở Công thương, cho rằng việc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng ( trực thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) công bố kết quả bún nhiễm tinopal cũng như tên các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này là không đúng luật, bởi “Trung tâm này không có quyền công bố kết quả khảo sát khi chưa thông báo với cơ quan quản lý nhà nước”.
Trong khi đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN khẳng định : “Điều tra độc lập, công bố đúng quy định”. Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng đã cho phép điều này.
Thực phẩm bẩn tràn lan đến độ các bà nội trợ phải vác đèn pin ra chợ để soi bún. Công luận đòi hỏi cần phải soi lại trách nhiệm của các quan chức phụ trách lĩnh vực ATVSTP hiện nay, thay vì đi “tranh cãi quyền công bố bún phát sáng”.