Quan tâm tội phạm ngân hàng
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, ngày 5-9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2012 bàn về tình hình kinh tế- xã hội 8 tháng đầu năm, dự báo kinh tế năm 2012, bàn định hướng cho kế hoạch năm 2013.
Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế- xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Dự kiến cả năm lạm phát dưới 7%. GDP quý sau cao hơn quý trước và dự kiến quý IV- 2012 sẽ tăng cao hơn.
Tuy nhiên, GDP khó đạt chỉ tiêu tăng 6% như kế hoạch đầu năm mà chỉ đạt cận dưới là từ 5- 5,5%.
Theo ông Đam, năm 2013, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Năm 2013 mục tiêu GDP khoảng 6%, lạm phát thấp hơn năm 2012.
Về xử lý hành vi thâu tóm ngân hàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp thứ 18 của BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý.
Ông Đam cho biết, không phải đến khi thực hiện lệnh bắt ông Nguyễn Đức Kiên thì việc này mới được nêu. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan thanh tra, điều tra phải tập trung vào nhóm tội phạm liên quan ngân hàng, đặc biệt là hành vi nhằm thâu tóm trái phép ngân hàng.
Ông Đam cho biết, khi Chính phủ chỉ đạo điều tra, khởi tố vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Kiên thì đã có phương án đánh giá tác động đến hệ thống ngân hàng. Một mặt nghiêm trị những người vi phạm, mặt khác phải đảm bảo hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng.
Giảm bớt tập đoàn
Liên quan việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ trực tiếp là Thủ tướng đã dành nhiều thời gian xem xét việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Hiện chúng ta đang thí điểm có 11 tập đoàn kinh tế. Tới đây, số lượng tập đoàn này sẽ giảm bớt. Hướng chỉ còn khoảng 5- 7 tập đoàn kinh tế. Đây là những tập đoàn lớn, quan trọng đối với nền kinh tế như: Dầu khí, Điện lực, Viễn thông… Còn những tập đoàn khác sẽ tổ chức và giao quyền cho bộ trưởng các bộ quản lý.
Về thông tin cho rằng tỷ lệ động viên thuế, phí của Việt Nam cao so với các nước, tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay: theo số liệu chính thức của Bộ Tài chính, sau khi loại trừ phần thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất, thì huy động thuế, phí trên GDP của Việt Nam trong 20 năm qua ở mức từ 12- 14% GDP.
“So với tỷ lệ động viên của các nước thì Việt Nam trong số các nước huy động thuế, phí trung bình thấp” – Bà Mai nói. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài mức thuế suất 25%, còn có thuế suất ưu đãi 10%, 20%. Như vậy, bình quân thuế suất chung là 16,32%.
Trong khi, trung bình các nước trên thế giới khoảng 27%. Ví như, Thái Lan mức thuế suất phổ thông 30%, Trung Quốc mức 25%, Malaysia 25%.
Thuế, phí cao và nỗi lo nợ xấu trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, cho thấy: Tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới người dân mà có thể là nguy cơ gây thâm hụt ngân sách những năm tới, khi các nguồn thu từ thuế giảm xuống. Báo cáo nhận định, tình trạng nợ xấu và hàng loạt bất ổn tài chính hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là từ mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, đặc biệt là từ đầu tư công và khu vực DNNN. Từ việc phân tích các bất ổn tài chính, báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị cho năm 2012. Để phục hồi và tránh cho nền kinh tế bị tổn thất, cần ưu tiên tập trung giải quyết nợ xấu, khai thông dòng vốn trong nền kinh tế và giảm lãi suất ngân hàng. Theo tính toán, nền kinh tế Việt Nam cần có một dòng vốn khá lớn, ước khoảng 250-300 nghìn tỉ đồng (tương ứng với tỉ lệ nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 10-12% tổng dư nợ). |