Theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-10-2015, được ký bởi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mà Tiền phong đang có trong tay, Chính phủ đã đồng ý với việc SCIC được tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp lớn khác, trong đó có một số đơn vị niêm yết trên cả hai sàn bao gồm: Tập đoàn Bảo Việt (BVH-Hose); Công ty cổ phần Traphaco (TRA-Hose); Công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG-Hose); Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC-Hose)...
Ngoài ra, văn bản này có một phụ lục đi kèm, bao gồm danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước. Chính phủ cũng nêu rõ: SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Với việc Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần ở Vinamilk, tín hiệu cho thấy Nhà nước sẵn sàng hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khác, nơi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối và tham gia điều hành. Nếu SCIC được phê duyệt thoái toàn bộ vốn tại Vinamilk (mã VNM), đồng thời room cổ phiếu VNM được mở ra 100%, thì đây là cơ hội rất lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, vì VNM luôn là cổ phiếu được khối ngoại ưa chuộng.
Nhận định về thông tin từ SCIC, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những blue-chips lớn như VNM và FPT. Tuy nhiên, thị trường sẽ còn phải chờ 3 yếu tố: (1) Thời gian thực hiện cụ thể: (2) Liệu thay đổi về định nghĩa công ty/nhà đầu tư nước ngoài như trong dự thảo thay thế Thông tư 74 có được phê duyệt hay không và (3) danh sách ngành kinh doanh có điều kiện.
HSC đánh giá, động cơ đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách hiện nay, trong đó chính phủ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.HSC nhận định, thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.
Danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước (có tỷ lệ nắm giữ cụ thể của Nhà nước cho đến thời điểm hiện tại).
STT | Doanh nghiệp | Tỷ lệ sở hữu |
1 | Công ty cổ phần Sữa Việt Nam | 45,1% |
2 | Tổng công ty cổ phần Bảo Minh | 50,7% |
3 | Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc Gia | 40,4% |
4 | Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong | 37,1% |
5 | Công ty cổ phần nhựa Bình Minh | 38,4% |
6 | Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam | 47,6% |
7 | Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang | 46,6% |
8 | Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang | 49,9% |
9 | Công ty cổ phần FPT | 6% |
10 | Công ty cổ phần viễn thông FPT | 50,2% |
Theo tính toán của tờ TBKTSG, hầu hết các công ty mà SCIC phải thoái vốn đều niêm yết và với thị giá hiện tại, Nhà nước có thể thu về ít nhất 4 tỉ đô la Mỹ (riêng phần vốn của Nhà nước ở VNM hiện có giá thị trường tính theo thị giá trên sàn khoảng 55.000 tỉ đồng, tương đương 2,46 tỉ đô la Mỹ). Tờ báo này phân tích và cho rằng: Đây là nguồn thu khổng lồ đủ sức bù đắp bội chi ngân sách năm nay, đồng thời giúp Chính phủ có nguồn để cơ cấu một số khoản nợ trong nước khoảng 2 tỉ đô la Mỹ sắp tới hạn.