Ráo riết lo thoái vốn ngoài ngành

Nhiều công trình điện đã được EVN đưa vào vận hành từ đầu năm đến nay. Ảnh: Việt Cường
Nhiều công trình điện đã được EVN đưa vào vận hành từ đầu năm đến nay. Ảnh: Việt Cường
TP - Với mục tiêu đảm bảo điện đi trước một bước, ngành điện đang thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện, nâng cao năng suất lao động cũng như ráo riết thoái vốn đầu tư ngoài ngành để chuẩn bị cho việc đổi mới hoạt động của đơn vị trong thời gian tới.

Tập trung tái cơ cấu

Tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức mới đây, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định đối với tập đoàn trong 5 năm tới chính là việc đổi mới sản xuất kinh doanh, tập trung tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, Tập đoàn đã hoàn thành việc xây dựng các đề án nghiên cứu đánh giá cơ cấu tổ chức 9 Tổng công ty thuộc cũng như đánh giá mô hình tổ chức và định hướng tổ chức sản xuất kinh doanh đối với khối Tư vấn điện lực và Cơ khí điện lực. Cùng đó, tập đoàn đã tích cực xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức bán đấu giá công khai, tìm kiếm các đối tác để đàm phán chuyển nhượng vốn góp tại các Công ty cổ phần thuộc diện phải thoái, giảm vốn.

“Tính đến năm 2014 đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn đầu tư vào bất động sản và một phần lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với tổng số tiền thu về đạt 49% số vốn phải thoái giảm.  Trong đó, tỷ lệ phần vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực giảm từ 40% xuống còn 16,5% với tổng số tiền là 586 tỷ đồng, đạt 94% số vốn phải giảm. Tính chung 3 năm qua, tổng số tiền thoái vốn đầu tư ngoài ngành thu về đạt trên 981 tỷ đồng. Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện để trong năm 2015 sẽ hoàn thành công tác thoái giảm vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch cổ phần hóa 3 Tổng công ty phát điện, báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Đặng Hoàng An cho biết.

Theo lãnh đạo EVN, hiện tập đoàn đang triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời, chuẩn bị để cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 1, 2 trong năm 2015 - 2016. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn khá ảm đạm, EVN đã tích cực xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức bán đấu giá công khai, tìm kiếm các đối tác để đàm phán chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Theo EVN, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác sắp xếp, tái cơ cấu, phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực từ 1/7/2015.

Đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư

Bên cạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, EVN cũng đặt mục tiêu đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 theo Quy hoạch điện VII với tổng số tiền lên tới 614.800 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, EVN dự định sẽ thực hiện đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện.

Theo đó, EVN sẽ chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các Ngân hàng thương mại trong nước; tăng cường hợp tác, thuyết phục các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài.

Cùng đó, việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài như tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế cũng được ngành điện tính đến.

Theo tính toán của ngành điện, việc đảm bảo huy động được nguồn vốn trên sẽ giúp đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn. Chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Lo đủ vốn cho các công trình điện cũng sẽ giúp ngành điện thực hiện thành công việc đầu tư cho các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng mục tiên đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015 đã thực hiện đầu tư tổng cộng 72.835 tỷ đồng để thực hiện nhiều công trình quan trọng của ngành. 28 công trình (5 công trình 500kV và 23 công trình 220kV). Lũy kế 8 tháng đầu năm, tập đoàn hoàn thành đóng điện 121 công trình (4 công trình 500kV, 26 công trình 220kV và 91 công trình 110kV) và khởi công 28 công trình (5 công trình 500kV và 23 công trình 220kV).

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.