Trưa ngày 20/5, tôi được anh Trần Tuấn - Trưởng Đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng nhắn tin “Chiều nay chú sẽ ra khơi”, dòng tin năm từ đó tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Tôi lập tức gọi điện báo với gia đình và tòa soạn về lịch trình của mình. Tôi lên đường với một balo quần áo và một balo gồm chiếc điện thoại vệ tinh được tòa soạn thuê trước để truyền tin về tòa soạn, máy ảnh, máy tính, USB chống nước. Trước khi xuống tàu tôi đã mua rất nhiều USB chống nước để trong bất kỳ hoàn cảnh bất trắc nào cũng có thể lưu giữ những hình ảnh thấy được tại Hoàng Sa.
Sáng 22/5, giàn khoan Hải Dương 981 hiện ra trước mắt như chiếc gai nhọn chọc xuống sự bình yên của biển Hoàng Sa. Khi chúng tôi nhìn thấy giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam, bỗng dưng những cơn say sóng tan biến, tất cả phóng viên đều lên boong, tay máy ảnh, tay máy quay mong lại gần hơn nữa, muốn thấy rõ hơn nữa sự hung hăng, vô nhân đạo của Trung Quốc. Máu nghề nghiệp đã đè hẳn những cơn say sóng từ lúc nào không hay.
Kể từ đó mỗi ngày, ba lần chúng tôi đều đặn giáp mặt các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính thậm chí là tàu chiến, máy bay tuần thám, chiến đấu của Trung Quốc.
Mỗi sáng, biển Hoàng Sa đẹp lạ kỳ, mặt nước xanh thăm thẳm. Từ trên boong tàu phóng tầm mắt thấy tàu bè nhộn nhịp như một thương cảng. Nhưng không, chỉ ít phút sau mọi thứ đã thay đổi. Khi cánh phóng viên chúng tôi sát cánh cùng các thủy thủ tiến sâu vào khu vực giàn khoan để tuyên truyền, đấu tranh trước hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc là lúc sự hung hãn, bất chấp pháp luật của các tàu Trung Quốc càng lộ rõ.
Và rồi những tốp tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc gầm rít, tăng tốc rượt đuổi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam. Có lúc khoảng cách chỉ vài chục mét, vòi rồng và bạt súng trên tàu Trung Quốc đều mở, song dường như quên đi sự hiểm nguy chực chờ, các phóng viên… vẫn tay máy, quyết tâm ghi nhận những hình ảnh chân thực về sự hung hăng của Trung Quốc.
Ngày 23/5, tàu HP 926 bị tàu lai dắt, đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc đâm hỏng mạn tàu, đó cũng là lúc chúng tôi thấy rõ nhất sự vô nhân đạo bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Và ngược lại thấy rõ hơn tinh thần quả cảm, bản lĩnh thép của các thủy thủ, kiểm ngư viên, cảnh sát biển Việt Nam.
Nôn nao, lả lử vì sóng, đầu óc căng như dây đàn vì sóng âm tần từ tàu Trung Quốc phát ra, hay nắng rát mặt boong vẫn không đáng sợ bằng việc không thể gửi thông tin về tòa soạn. Rất may chuyến đi lần này, tôi đã được tòa soạn trang bị chiếc điện thoại vệ tinh. Vì thế, tin bài được gửi về nhà đều đặn, mỗi ngày.
Những dòng nhật ký được tôi ghi chép đều đặn trong cuốn sổ màu xanh nước biển giữa đại dương xanh ngắt. “1h sáng đêm 23/5. Đêm không thể ngủ. Màn đêm buông xuống trên biển Hoàng Sa. Trên trời sao sáng vằng vặc, những chòm sao thất hùng, thần nông như nhảy múa. Tàu Trung Quốc như ma chơi, thi thoảng lại quét đèn pha sáng rực, hú còi rầm rĩ. Giàn khoan Hải Dương 981 chẳng khác nào một con quái thú găm trên mình những chiếc bóng điện lập lòe quỷ quái. Khi dứt tiếng còi hú, đêm chỉ còn tiếng sóng biển vỗ ầm ào…”.
Sau hơn 20 ngày có mặt tại thực địa, tàu HP 926 phải trở về đất liền để chữa lành những vết thương do những tàu Trung Quốc gây ra. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi buộc phải kết thúc chuyến công tác của mình tại Hoàng Sa sau đúng một tuần. Mọi cố gắng của tôi xin được chuyển tàu, xin được ở lại Hoàng Sa đều bất thành.
Đứng trước biển, dường như mọi bon chen nhỏ nhặt thường ngày đã không còn. Thay vào đó là một quyết tâm cùng nhau vạch trần bộ mặt thật, dã tâm của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Trước khi đi tôi đã viết một bức thư gửi tới gia đình và đồng nghiệp để trên vali hành lý đặt ở văn phòng báo Tiền Phong tại Đà Nẵng. Dù biết hiểm nguy, nhưng bố mẹ và vợ tôi đều ủng hộ chuyến công tác này. Bố mẹ tôi dặn dò “đây là việc quốc gia, con cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ, đừng lo lắng nhiều”.