Theo AP, những địa danh từng sầm uất với đông đảo du khách tại Syria vẫn còn mang nhiều vết sẹo sau gần 14 năm xung đột, nhưng khách du lịch địa phương đang quay trở lại những nơi này. Do đó, các nhà bảo tồn hy vọng ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các điểm đến này sẽ thu hút du khách quốc tế quay trở lại Syria.
Một trong sáu di sản thế giới được UNESCO công nhận của Syria là Palmyra - nổi tiếng với những tàn tích thời La Mã 2.000 năm tuổi, từng là trung tâm chính của mạng lưới con đường tơ lụa cổ đại, nối liền đế chế La Mã và Parthia với châu Á - hiện chỉ còn lại các cột trụ đổ nát và những ngôi đền bị hư hại.
Ayman Nabu - nhà nghiên cứu và chuyên gia về di tích - cho biết, trước khi cuộc nổi loạn ở Syria bắt đầu vào năm 2011 và nhanh chóng leo thang thành một cuộc nội chiến tàn khốc, Palmyra là điểm đến du lịch chính của Syria, thu hút khoảng 150.000 du khách mỗi tháng. Do đó, Palmyra từng được mệnh danh là cô dâu của sa mạc vì nó đã hồi sinh thảo nguyên và từng là một nam châm du lịch toàn cầu.
Tuy nhiên, sau khi các cuộc xung đột xảy ra, lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã phá hủy các ngôi đền lịch sử Bel và Baalshamin cùng Khải Hoàn Môn ở Palmyra. Thậm chí, lực lượng IS còn hành quyết một học giả cổ vật lớn tuổi đã dành cả cuộc đời để giám sát các tàn tích này.
![]() |
Hình ảnh thành phố cổ Palmyra tại Syria hiện tại. Ảnh: AP. |
Tại nhà hát Tetrapylon và các tàn tích khác vẫn còn dấu vết của nhiều vụ khoan trái phép. Trong khi đó, hàng loạt tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bị đánh cắp và bán ra chợ đen. Bên trong các lăng mộ ngầm của thành phố, những câu thơ Hồi giáo được viết nguệch ngoạc trên tường.
Ngoài Palmyra, nhiều di tích lịch sử khác cũng mang dấu vết của chiến tranh. Trong đó, Crac des Chevaliers - lâu đài thời trung cổ ban đầu được người La Mã xây dựng và sau đó được quân Thập Tự Chinh mở rộng - đã bị bắn phá dữ dội trong cuộc nội chiến Syria.
Năm 2023, sau các cuộc không kích và trận động đất chết người mạnh 7,8 độ richter, một số khu vực của Crac des Chevaliers đã được cải tạo nhưng phần lớn lâu đài vẫn còn trong tình trạng đổ nát.
Ở Tây Bắc Syria, hơn 700 khu định cư Byzantine bị bỏ hoang được gọi là Thành phố Chết, được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2011 với tư cách là một bảo tàng ngoài trời cũng bị phá hoại nghiêm trọng.
![]() |
Thành phố Chết - di sản UNESCO tại Syria - thành nơi chăn thả cừu của người dân. Ảnh: AP. |
Chuyên gia Matthieu Lamarre của UNESCO cho biết, kể từ năm 2015, tổ chức này đã hỗ trợ từ xa cho việc bảo vệ di sản văn hóa Syria, thông qua các phân tích vệ tinh, báo cáo và tài liệu cũng như khuyến nghị cho các chuyên gia địa phương, nhưng không thể tiến hành được bất kỳ công việc nào tại chỗ. Nhưng đến hiện tại, các chuyên gia đã chuẩn bị trở lại Syria để bắt đầu tái thiết các di sản bị tàn phá.
Theo CNN, trước nội chiến, du lịch chiếm 14% GDP Syria, với hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2010. Trong đó, các công ty du lịch luôn kín tour. Bởi lẽ, với lịch sử kéo dài từ thời cổ đại đến nay, Syria là một trong những cái nôi văn hóa - lịch sử hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng khi nội chiến xảy ra mọi thứ đã trở thành con số 0.
Mới đây James Wilcox - người sáng lập công ty du lịch chuyên tour mạo hiểm tên Untamed Borders - cho biết, công ty của ông sẽ bắt đầu mở các đợt đặt tour đưa du khách đến Syria vào tháng 4 tới. Wilcox tin rằng du lịch là động lực giúp các nước như Syria phục hồi kinh tế sau nhiều năm chiến tranh.
Tương tự Wilcox, nhiều công ty lữ hành địa phương cũng chuẩn bị mở lại các tour du lịch đón du khách. Nhiều người tin rằng, nếu Syria vẫn ổn định, ngành du lịch được phục hồi sẽ góp phần giúp đất nước tái thiết quan hệ ngoại giao với quốc tế, xây dựng lại nền kinh tế.
Ngày 13/2, Hội nghị quốc tế về Syria lần thứ 3 diễn ra ở Paris (Pháp) - sau khi chính quyền Bashar Assad bị lật đổ vào tháng 12/2024 và là hội nghị đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ. Tại hội nghị, các nước cam kết sẽ hợp tác để giúp người dân Syria xây dựng một tương lai an toàn, hứa hẹn phát triển du lịch và hòa bình hơn.