Sân bay Long Thành: Lo đội vốn vì chưa tách bạch chi phí

Bộ GTVT đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho sân bay Long Thành
Bộ GTVT đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho sân bay Long Thành
TPO - Theo Ủy ban Kinh tế, việc chưa tách bạch các chi phí dẫn đến tăng tổng mức đầu tư xây dựng dự án Sân bay Long Thành.

Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, Bộ GTVT cho biết, dự án có tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14 ha. Trong đó, diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, và diện tích đất thu hồi để xây dựng các khu tái định cư khoảng 565,14 ha.

Tổng mức đầu tư dự tính khoảng trên 23 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn dành cho dự án chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án.

Theo Bộ GTVT, trước mắt, trong giai đoạn đến 2020, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 10.821,6 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới bố trí 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Với quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, thời gian triển khai dự án kéo dài theo 3 giai đoạn, trong khi cần thực hiện GPMB 1 lần, nên Bộ GTVT cho rằng, cần tập trung vốn ngân sách để bố trí cho dự án.

Ngoài chính sách đặc thù trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị, không áp dụng khoản 6, Điều 16, Luật Đầu tư công năm 2014 mà giao Chính phủ xây dựng các chính sách cụ thể huy động các nguồn vốn để thực hiện thu hồi đất... Trong đó có việc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác hàng không ứng vốn để thực hiện.

Ngoài ra, cũng không áp dụng điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, mà được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án.

Bộ GTVT kiến nghị xem xét, cân đối bổ sung nguồn vốn cho dự án, trước mắt trong giai đoạn đến năm 2020 bổ sung 5.821,6 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đáp ứng tiến độ Dự án.

Thẩm tra về dự án này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, tờ trình của Chính phủ và báo cáo nghiên cứu khả thi mới chỉ làm rõ được tổng mức đầu tư dự án, tiến độ phân bổ nguồn vốn mà chưa làm rõ biện pháp cụ thể huy động phần vốn còn thiếu cho việc GPMB dự án.

Mặt khác, báo cáo còn chưa tách bạch được các chi phí phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các dự án khác, như chi phí thu hồi đất, bồi thường để thực hiện xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang… Việc chưa tách bạch các chi phí này dẫn đến tăng tổng mức đầu tư xây dựng dự án. Suất vốn đầu tư theo hộ dân (4,74 tỷ đồng/hộ) là khá cao so với các dự án khác.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện, do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có biện pháp huy động vốn phù hợp.

Trường hợp không thể huy động các nguồn khác, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bố trí vốn bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác này. 

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.