Khoảng lặng quanh dự án sân bay Long Thành

Cổng chào của xã Suối Trầu là công trình mới duy nhất được xây dựng ở địa phương này.
Cổng chào của xã Suối Trầu là công trình mới duy nhất được xây dựng ở địa phương này.
TP - Từ khi Quốc hội chính thức thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) thành dự án thành phần, thông tin về tiến độ xây dựng sân bay Long Thành càng làm nên sức nóng cho vùng đất này. Bên cạnh tình trạng “nóng sốt” của các dự án bất động sản “ăn theo” sân bay, người dân ở khu vực phải di dời nhường đất cho sân bay đang trĩu nặng ưu tư cho cuộc sống hiện tại và tương lai ở vùng đất mới.

Nơi xóa sổ 1 đơn vị hành chính

 Con đường nhựa dẫn vào xã Suối Trầu (huyện Long Thành) chỉ vừa đủ cho  hai xe ô tô ngược chiều tránh nhau, là hình ảnh tươm tất nhất của bộ mặt hạ tầng ở địa phương này. Còn lại là trụ sở UBND, trường học, trạm y tế, nhà dân, tất cả đều đã cũ kỹ, xuống cấp. Đường xương cá đều là đường đất. Bộ mặt của xã Suối Trầu gợi nhớ hình ảnh của một làng quê 20 năm trước.

Nó khác biệt hẳn những gì đang sôi động ở các xã liền kề, nơi mọc lên những dư án dân cư, những khu phố thương mại đang hình thành, nơi “sốt đất xình xịch” bởi những dự án ăn theo sân bay Long Thành. Suối Trầu im lìm, người dân trĩu nặng ưu tư bởi dự án sân bay Long Thành khi thực hiện sẽ thu hồi hơn 5.600 hécta đất, di dời trên 4.800 hộ với 15.500 nhân khẩu của 6 xã thuộc huyện Long Thành thì riêng xã Suối Trầu phải giải tỏa trắng với diện tích  trên 1.350 hécta, hàng ngàn người dân phải di dời và đơn vị hành chính xã Suối Trầu sẽ phải “xóa sổ”.

Căn nhà của ông Đỗ Đường ở ngay đầu đường vào trung tâm xã Suối Trầu đã cũ, chủ nhà cơi nới thêm cái chái tạm cho rộng rãi hơn khi gia đình có thêm thế hệ cháu. Ông Đường nói: “Tôi ở vùng đất này đã mấy chục năm rồi, mười mấy năm nay nghe có dự án sân bay, toàn xã  phải di dời nên nhà có xuống cấp cũng chỉ sửa lại ở tạm bợ vậy thôi. Nghĩ, bỏ tiền ra xây mới sau này ai đền bù cho”.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn nơi có hàng  chục cây điều già cỗi, ông Đường cho hay, cây đã già, không còn năng suất, lẽ ra phải thay thế trồng lại cây mới. Nhưng trồng cây mới, lỡ nhà nước thu hồi thì giá trị đền bù cây nhỏ chẳng được bao nhiêu”.

Lão nông này thở dài: Chúng tôi sẵn sàng giao đất cho nhà nước, nhưng chờ đợi quá lâu, người dân chúng tôi không ổn định được cuộc sống”. Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, ông Đường không khỏi lo lắng: Tuổi 60 ở nông thôn vẫn còn làm vườn, chăn nuôi sinh sống, về nơi ở mới chỉ có lô đất tái định cư xây nhà,  những người lao động lớn tuổi sẽ không biết làm gì tồn tại.

Khoảng lặng quanh dự án sân bay Long Thành ảnh 1 Ông Đỗ Đường, trong căn nhà đã xuống cấp chờ sớm được ổn định cuộc sống.

Căn nhà gỗ lợp ngói của ông Nguyễn Văn Dũng đóng cửa im lìm. Bên ngoài sân, ngõ vào, cỏ đã mọc bít lối. Hỏi thăm những người hàng xóm kế bên mới hay hàng chục căn nhà gần nhau, nhưng nhà ông Dũng mấy năm nay xuất hiện con bọ đậu đen đầy nhà. Quét dọn, bơm xịt thuốc đủ cách, không thuyên giảm bọ đậu đen.

Người có kinh nghiệm cho rằng căn nhà ngói, cột kèo gỗ là nơi trú ngụ lý tưởng cho loại bọ này. Trừ loại bọ này chỉ có cách tháo dỡ nhà xây lại nhà tường. Không thể tháo dỡ nhà để xây lại nhà mới được vì thông tin sắp di dời, thu hồi đất làm sân bay, chủ nhà đành bỏ hoang nhà đi vào rẫy cất chòi ở. Lâu lâu ông Dũng về quét dọn, để bảo quản căn nhà tránh sụp đổ.

Hơn 10 năm trước khi rộ lên thông tin xây dựng sân bay Long Thành, nhiều người dân từ Sài Gòn chở cả bao tải tiền vào Suối Trầu mua đất “đón gió” sân bay. Nhiều người dân xã Suối Trầu bán hết nhà đất. Khi mất hết đất nhà, những người chủ đất mới giao lại nhà đất chủ cũ cho người nguyên là chủ sở hữu canh tác, trông nom. Từ chủ đất, một số nông dân trong vùng  trở thành người giữ đất cho người khác.  

Chia sẻ với khó khăn của người dân, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho biết, là địa phương phải giải tỏa gần hết diện tích đất và dân cư, hơn 12 năm từ khi có quy hoạch sân bay, người dân địa phương chịu nhiều thiệt thòi, khi cơ  sở hạ tầng không được xây mới, trường học, trạm xá xuống cấp cũng chỉ được sửa chữa tạm thời. Hơn 80% người dân địa phương sống bằng nghề nông, nhưng cây công nghiệp lâu năm như điều, cà phê, cao su… đã bị lão hóa không còn năng suất nhưng bà con không dám phá bỏ, thay cây trồng mới vì sợ giải tỏa. Người dân cũng không dám đầu tư lớn cho chăn nuôi, nhà cửa không dám xây mới vì không biết sẽ di dời lúc nào. Việc giao dịch đất đai cũng bị hạn chế… Bà con rất mong sớm được di dời, nhà nước có chính sách đền bù, an sinh xã hội hợp lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người quá tuổi lao động canh cánh nỗi lo cho cuộc sống sắp tới khi về nơi ở mới.

Không chỉ người dân tâm tư , mà gần cả trăm cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác tại địa phương cũng lo âu với tâm trạng sẽ về đâu, làm gì, khi mà  đơn vị hành chính này sẽ không tồn tại. Cũng vì sẽ bị giải tỏa trắng mà xã Suối Trầu là địa phương duy nhất của tỉnh Đồng Nai không phải xây dựng Nông thôn mới.

Khoảng lặng quanh dự án sân bay Long Thành ảnh 2 Dãy nhà ở của người dân khu vực trung tâm xã Suối Trầu được coi là khang trang.

Bài toán lao động

Không kém “nóng” như đất sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đang gấp rút cùng Bộ Giao thông - Vận tải chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu khả thi công tác thu hồi đất, bố trí tái định cư dự án sân bay Long Thành để kịp đến tháng 10/2017 trình Quốc hội. Theo lộ trình, khi Quốc hội thông qua báo cáo khả thi, tỉnh sẽ triển khai  xây dựng 2 khu tái định cư để di dời dân. Bên cạnh đó là bài toán giải quyết lao động cho người dân đang được đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, xây dựng chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào đề án báo cáo Chính phủ nhằm đáp ứng nguyên vọng của người dân bị thu hồi đất.

Theo thống kê của UBND huyện Long Thành, cấp thiết nhất hiện nay trong dự án sân bay Long Thành là vấn đề giải quyết việc làm cho người dân. Hiện có khoảng 70% người dân vùng dự án phải di dời nằm trong tuổi lao động và chủ yếu thuộc lớp lao động nông thôn. Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho rằng:  “Khi di dời, những lao động trẻ có thể vào các Cty ở những KCN lân cận để làm việc. Tuy nhiên, đối với nhóm người từ 40-45 tuổi thì việc làm công nhân là không thể do họ ngoài độ tuổi tuyển dụng. Những người có tuổi từ 60-65 ở địa phương có thể bám ruộng vườn để sống nhưng chuyển ra vùng tái định cư sẽ khó có việc làm”.

Ông Ân đưa ra hai phương án để giải quyết việc làm đối với lao động trên 40 tuổi: Tại huyện Long Thành hiện đang có hai dự án sản xuất, canh tác nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn của Vingroup và Novaland nên đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm làm việc với hai doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Một phương án khác được đưa ra là bố trí quỹ đất để người lao động nông nghiệp thuần túy có việc làm.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phân vân sẽ rất khó cho người dân khi bố trí đất sản xuất quá xa khu tái định cư. Ông Vĩnh đưa ra giải pháp cho đối tượng lao động lớn tuổi trong vùng bị ảnh hưởng. Ngoài việc bố trí số lao động này sẽ vào làm việc tại những dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ông Vĩnh tiên lượng, chắc chắn trong trong giai đoạn thi công dự án sân bay sẽ có nhiều công việc  lao động phổ thông phù hợp với người lao động trên 40 tuổi. Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng cân nhắc chủ trương của chính quyền như thế, nhưng doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có quyền lựa chọn những lao động đáp ứng điều kiện công việc.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tổ chức lại cuộc sống cho người dân trong vùng dự án luôn được xem là khâu then chốt, quyết định sự thành công cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Đồng Nai cũng thừa nhận đây là công việc nặng nề, đòi hỏi có sự chỉ đạo, giúp sức từ bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là của Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam.

Mới đây, trao đổi với đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Chúng tôi biết công việc cho đối tượng lao động trên 40, 50 tuổi là “cực khó”, họ bị thiệt thòi. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất, nhưng sẽ không thể cầu toàn 100% được”.

MỚI - NÓNG