Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, ACV đã đề nghị Bộ GTVT trao đồng giải Nhất (không có giải Nhì, giải Ba) cho ba phương án kiến trúc Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành là: LT-03, LT-04 và LT-07. Các đơn vị tư vấn nhận đồng giải Nhất với giá trị tiền thưởng là 15.000 USD.
Theo ACV, cả ba phương án đều đáp ứng các tiêu chí thi tuyển, có tính khả thi cao và có thể sử dụng trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi F/S cho nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành. Ba phương án được đề nghị trao giải Nhất đều đạt số điểm cao, độ chênh lệch không lớn (chỉ chênh nhau khoảng 1% trên tổng số điểm).
“Hiện tại, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Hội đồng thẩm định phương án kiến trúc Nhà ga hành khách sân bay Long Thành về đề xuất của ACV”, ông Thanh nói và cho biết: Nếu được chấp thuận, dự kiến lễ trao giải phương án thiết kế kiến trúc sẽ được tổ chức ngày 22/9 tới đây.
Hiện tại, lịch làm việc của Bộ GTVT cũng đã có chương trình làm việc trao giải cho thiết kế sân bay Long Thành vào thời điểm này.
Phương án LT-03 lấy ý tưởng hình ảnh hoa sen cách điệu (đặc trưng cho văn hóa Việt Nam), sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.
Chủ nhân của phương án này là Công ty Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc). Đây cũng là công ty thiết kế nhiều nhà ga lớn như: Nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); Sân vận động Olympic (Baku); Tòa tháp Kangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Theo tác giả, hình khối khu vực nhà ga chính (mái) sử dụng ý tưởng là những cánh hoa sen, điểm thêm những vị trí ô lấy sáng, giảm bớt sự đơn điệu cho mái. Bên cạnh đó, khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng hoa sen, làm điểm nhấn cho khu vực này.
Ở phương án LT-04, ý tưởng chính của nhà thiết kế là sử dụng vật liệu từ cây tre - được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến…).
Theo tác giả, việc sử dụng vật liệu kết cấu tre là một ý tưởng mới được đưa vào và thể hiện dưới hình thức trang trí đan kết thành không gian nội thất nhà ga để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không mang tính đặc thù văn hóa địa phương.
Không gian nội thất kiến trúc nhà ga lớn, thông thoáng, sử dụng vật liệu tre làm kết cấu công trình cũng như làm trần trang trí cho nhà ga. Đây là sự độc đáo, có nét khác biệt so với những công trình nhà ga hàng không trước đây.
Đồ án này do Liên danh Japan Airport Consultants Inc. + ADP Ingenierie + Shigeru Ban Architects (Nhật Bản + Pháp) thực hiện. Đơn vị này cũng đã thiết kế nhiều nhà ga hàng không nổi tiếng như: Nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài (Việt Nam); Khu vực sảnh chờ lên tàu bay 2 và 3 thuộc nhà ga số 3, sân bay quốc tế Dubai; Nhà ga hành khách mới, sân bay quốc tế El Dorado, Botoga (Columbia).
Phương án LT-07 được lấy ý tưởng từ hình ảnh lá dừa nước (đặc trưng cho văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam) áp dụng vào thiết kế phần mái bao che công trình. Đơn vị thiết kế là Liên danh CPG Consultants Pte. Ltd + PAE Limited + Azusa Sekkei (Singapore + Việt Nam + Nhật Bản). Đây là đơn vị đã thiết kế nhiều cảng hàng không lớn như: Nhà ga hành khách T3 sân bay Changi (Singapore); Nhà ga hành khách T2, sân bay quốc tế Phú Đông (Thượng Hải, Trung Quốc); Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc).
Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Bên trong nhà ga đi, các quầy hàng được thiết kế như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT đã lựa chọn 3 phương án nêu trên, trong đó đề nghị ưu tiên chọn phương án LT 03 (phương án theo mẫu hình hoa sen) trình lên Chính phủ. Sau đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ ngành đánh giá để có phương án tốt nhất. Bộ GTVT cũng nhận định cần có sự kết hợp giữa các phương án.
Báo Tiền Phong cũng đã có bài phản ánh, ghi nhận các ý kiến của chuyên gia cho rằng, phương án thiết kế Sân bay Long Thành mang hình hoa sen sẽ dễ dẫn đến lãng phí, đội giá nếu quá chú trọng vào tính biểu tượng, trực quan của dự án.