Quá thô
Mẫu thiết kế công trình văn hóa Hoa sen do Cty Decibel của Úc thực hiện, có cấu trúc một bông hoa sen thả nổi trên mặt nước. Lãnh đạo Hà Nội đồng ý chủ trương đầu tư công trình này-chính là trung tâm văn hóa và biểu diễn nghệ thuật, có khán phòng nhà hát sức chứa 2.000 chỗ, cửa hàng công nghệ, rạp chiếu phim, văn phòng và nhà hàng. “Bông sen nổi” này gồm cấu trúc lớn hình ống bầu ở giữa và năm cấu trúc nhỏ hơn bao quanh tạo nên các khối có hình dạng nụ hoa khép kín. Bao quanh bên ngoài là các vùng ngập nước hình bậc thang bao phủ mạng lưới đường hầm dẫn đến khu phức hợp này.
KTS, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến nói yêu quý bông hoa sen- gần như là biểu tượng của Việt Nam bên cạnh cây tre và lúa nước. “Tôi không chỉ trích đồng nghiệp bất cứ ở quốc gia nào và đồng cảm sâu sắc về sự vất vả của nghề kiến trúc. Từ nhỏ tôi đã hiểu nghệ thuật là sự thăng hoa của hiện thực, chứ không phải là tả thực.
Nếu tả thực thì có rất nhiều công cụ để thực hiện thay nghệ sỹ ví dụ máy ảnh hay máy in 3D. Công trình được thiết kế gần như giống hệt bông hoa sen, có thể đó là sự chiều chuộng dễ dãi của KTS với chủ đầu tư. Chủ đầu tư chấp nhận thì đó là sự chấp nhận dễ dãi với nghệ thuật tạo hình”.
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng công trình này trước hết “xấu” và quá tả thực: “Giả dụ đó là bông sen thật mà to như thế thì làm mất tỉ lệ con người. Nếu có định xây dựng một công trình lấy biểu tượng bông sen phải chứa đựng sự ẩn dụ chứ không thể tả thực như thế. Chỉ sao chép bông hoa một cách thô thiển thì cần gì nghệ thuật hay KTS”.
Giống Trung Quốc?
Theo KTS Vĩnh Tiến, công trình này giống hệt về mặt tạo hình một công trình tại Quảng Châu do nhóm KTS khác thiết kế. “Vậy có nên đặt câu hỏi về vấn đề bản quyền và quyền tác giả? Với tư cách nguyên trưởng khoa Kiến trúc của một trường đại học, nếu sinh viên của tôi làm đồ án này tôi không cho quá 5 điểm”, anh nói.
Anh cho rằng cần loại trừ “yếu tố kỳ thị Trung Quốc” bởi nghệ thuật là nghệ thuật. “Việc giống nhau trong ý tưởng thiết kế có lẽ bởi vì cả hai đều giống bông hoa sen, điều buồn cười ở đây là giống nhau ở sự mô tả quá giản đơn và ngô nghê về tạo hình. Các công trình mô phỏng hoa sen có rất nhiều trên thế giới nhưng các KTS giỏi biết cách điệu và nâng tầm khiến cho người xem cảm nhận được Hồn Sen chứ không phải Xác Sen”, anh nói.
KTS Trần Huy Ánh nói sự giống nhau này có thể hiểu do đều mô phỏng từ hình tượng hoa sen. Hơn nữa sự mô phỏng từ hoa sen theo phương pháp đơn giản nhất: “Tôi cho rằng kiến trúc của công trình Hà Nội và Trung Quốc đều không đạt”. Đồng quan điểm, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng bản chất của kiến trúc là không gian chứ không phải cần một bông hoa, cái trống đồng, hay con rồng con rắn gì đó.
“Thời đại văn minh, xét góc độ thực dụng chúng ta cần không gian không phải cần hạ tầng. Về phía nhà đầu tư, tôi nghĩ nên chọn hẳn kiến trúc sư tên tuổi để tạo ra giá trị thương mại lớn, hơn là thuê một ông không tên tuổi, nhảm nhí vô danh trong nghề chẳng ai biết cả”, Đoàn Kỳ Thanh nói.
Không riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng có những công trình lấy cảm hứng từ hoa sen. KTS Trần Huy Ánh đánh giá việc lấy cảm hứng từ hoa sen không lạ, một số công trình khá thành công nhờ sự sáng tạo của nghệ sỹ.Vậy có nhất thiết phải chọn thiết kế một công trình lấy cảm hứng từ hoa sen đặt tại Hà Nội? “Tôi cho rằng không nên quá lạm dụng hoa sen.
Việt Nam còn cây tre và đặc trưng hơn có lẽ là cây lúa nước. Hà Nội là một nơi hội tụ tinh hoa của kiến trúc, ví dụ như các kiến trúc truyền thống, kiến trúc phong cách Đông Dương. Để tiếp nối dòng chảy văn hoá này, chỉ nên gợi mở là “Kiến trúc đương đại”. Các trường phái kiến trúc đều có cơ hội bình đẳng tham gia phương án trong một cuộc thi minh bạch công khai, không nên chỉ thiên vị trường phái “sao chép sinh học”, Nguyễn Vĩnh Tiến nói.
UBND TP Hà Nội phê duyệt tổng mặt bằng của cụm công trình văn hóa và nhà hát Hoa sen gắn với công viên điều hòa CV1 thuộc Yên Hòa (Cầu Giấy) và Mỹ Đình (Nam Từ Liêm). Theo đó công trình này xây dựng trên diện tích khoảng 4ha, quy mô 6 tầng. Dự kiến công trình khánh thành và đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô.