Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Các công trình văn hóa không gây thất thoát, lãng phí

Một hoạt động tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Một hoạt động tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Mặc dù triển khai nhiều hoạt động lễ hội, công trình văn hóa lớn song Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Bộ luôn kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nên không xảy ra lãng phí, thất thoát gì.

Làng Văn hóa: Rất tiết kiệm, hiệu quả

Được biết khi trả lời bằng văn bản theo đề nghị của Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Phúc, Bộ khẳng định, trong cả nhiệm kỳ không xảy ra thất thoát, lãng phí gì. ĐB Phúc rất ngạc nhiên về điều này, vì với rất nhiều công trình văn hóa được triển khai cùng gần nghìn lễ hội như vậy mà không xảy ra thất thoát, lãng phí là điều rất khó tin. Ông lý giải sao về việc này?

Chúng ta cần phải phân biệt lãng phí, thất thoát thì ở cấp nào, địa phương hay Bộ? Riêng ngành của chúng tôi, dứt khoát đầu tư vào các nhà hát, dự án liên quan đến văn hóa thì được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Các dự án phải dứt khoát thực hiện theo đúng quy trình đầu tư chặt chẽ và không xảy ra thất thoát gì. Tất cả đều phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, có kiểm tra, giám sát và khi đầu tư xong là đi vào sử dụng.

“Chúng ta cần phải phân biệt lãng phí, thất thoát thì ở cấp nào, địa phương hay Bộ? Riêng ngành của chúng tôi, dứt khoát đầu tư vào các nhà hát, dự án liên quan đến văn hóa thì được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Các dự án phải thực hiện theo đúng quy trình đầu tư chặt chẽ và không xảy ra thất thoát gì”. 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Vậy, một dự án cụ thể là Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được nói đến nhiều trong thời gian qua có gây thất thoát, lãng phí không, thưa ông?

Công trình này có diện tích hơn 1.500 ha, với 700 ha mặt nước. Việc giải phóng mặt bằng triển khai trong 16 năm… Với rất nhiều khu làng văn hóa các dân tộc, cùng với đầu tư cơ sở vật chất hiện có, kể cả giải phóng mặt bằng thì tổng mức đầu tư công trình có 1.300 tỷ đồng, trong khi quyết định của Thủ tướng từ 2008 - 2015 cho dự án này là 3 nghìn tỷ đồng. Như vậy là rất tiết kiệm!

Thế còn quá trình khai thác sử dụng sau đó thì sao?

Bây giờ mỗi năm có khoảng 250 nghìn khách đến với Làng Văn hóa. Hàng năm cũng có khoảng năm bảy lượt đưa bà con các dân tộc về với khoảng 1.000 - 1.500 người và tổ chức rất nhiều sự kiện tại đây. Công trình này sử dụng rất hiệu quả, trở thành ngôi nhà chung của đồng bào các dân tộc anh em. Tôi ví dụ tại đây có xây dựng hẳn một Tháp Chàm. Làm sao bà con ngoài Bắc đi vào trong kia (tỉnh Ninh Thuận - PV) để xem được? Trong khi đó tập trung ở đây lại có thể xem rất dễ dàng. Rồi nhà của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, hay nhà tranh tre nứa lá theo truyền thống…chúng ta không thể xây bằng bê tông được mà phải làm nguyên trạng. Đã làm bằng tranh tre nứa lá thì sáu bảy năm là xuống cấp, hư hỏng nên phải có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng lại.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Các công trình văn hóa không gây thất thoát, lãng phí ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Quảng trường, tượng đài: Trách nhiệm của địa phương

Ngoài các dự án công trình văn hóa, ĐBQH và người dân cũng băn khoăn và thấy khó tin khi tổ chức hàng nghìn lễ hội như vậy mà lại không xảy ra lãng phí gì?

Việc này trong nhiệm kỳ trước tôi đã trả lời Quốc hội rồi. Bây giờ theo Chỉ thị 45 và mới đây là Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về quản lý lễ hội theo hướng giảm tần suất, giảm quy mô, chủ yếu chỉ tiến hành các lễ hội lịch sử cách mạng. Đó là bảy lễ hội cấp quốc gia, chắc chắn chúng ta phải làm và không thể xã hội hóa được.

Thế còn việc xây dựng các tượng đài, quảng trường, theo Bộ trưởng cũng không hề xảy ra thất thoát, lãng phí gì?

Các công trình tượng đài, quảng trường thì địa phương phải lo quản lý lấy. Bộ chỉ duyệt thiết kế, tư vấn làm cách nào cho tiết kiệm hiệu quả chứ không thể làm trực tiếp được. Các công trình này thuộc địa phương nên địa phương phải lo kinh phí. Tuy nhiên cũng có những tượng đài, điển hình như một tờ báo vừa nêu ở Ninh Bình lên tới 1.500 tỷ đồng là không đúng đâu.

Ngoài tiền của địa phương, nhiều nơi cũng xây dựng dự án rồi lên Trung ương xin. Do vậy Bộ cũng phải có trách nhiệm, tư vấn cho Chính phủ nếu thấy dự án đó không có hiệu quả?

Đương nhiên địa phương sẽ xin ngân sách Trung ương, nhưng Bộ chúng tôi làm gì có tiền. Chúng tôi chỉ tư vấn về không gian kiến trúc quảng trường, tượng đài hình dáng thế nào, còn ngân sách thì địa phương phải tính. Nói chung, quảng trường là do địa phương lo.

Việc khai thác kém hiệu quả hay kém chất lượng của các dự án thuộc trách nhiệm của ai?

Khi công trình chất lượng kém thì phải tiến hành kiểm tra xem thế nào. Tuy nhiên địa phương xây xong phải đứng ra quản lý chứ chúng tôi làm sao quản lý được. Chúng tôi tư vấn cho anh, khi phát hiện chúng tôi cảnh báo, rằng công trình đó đang xuống cấp thế này, thế kia. Nói về hiệu quả, chúng ta vào Bạc Liêu xem quảng trường ở đây hàng ngày thu hút khách du lịch quá trời quá đất luôn. Chúng ta phải nhìn ở nhiều góc độ, chứ bây giờ cứ bảo du lịch, du lịch nhưng không có nơi để người ta thưởng ngoạn thì làm sao được.

Chúng ta phải làm sao để các bạn trẻ có nơi đến, có không gian vui chơi giải trí và được giáo dục truyền thống. Còn chuyện thất thoát, lãng phí thì anh nào quản lý dự án, anh đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

MỚI - NÓNG