50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử

Rượu nếp cái hoa vàng cho Kissinger

TP - Trở lại Paris với tư thế người chiến thắng, sáng 8/1/1973 trên đường đến chỗ họp ở Gifsur Yvette, Cố vấn Lê Đức Thọ nói với ông Phương, phiên dịch (nhân vật đã nói ở kỳ trước) thế này. “Hôm nay toàn đoàn ta không thèm ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ nữa. Và hôm nay mình sẽ phê phán Mỹ mạnh đấy mình sẽ nói thong thả cho cậu dịch. Mình sẽ nói Mỹ ném bom Noel là ngu xuẩn, cậu dịch cho đúng tinh thần...”.

Mặc dù đã được dặn trước và đã trực tiếp chứng kiến hàng chục lần Lê Đức Thọ “cương” (quyết liệt dai dẳng kiên trì và cả nổi nóng. Nhưng chắc đối phương cũng không ít lần nhầm Lê Đức Thọ nóng vì sắc mặt bừng đỏ! Ông Cố vấn vốn bị huyết áp cao, nhiều lần đoàn ta thảo luận trong phòng mật, anh em đã phải tắt điều hoà, mở cửa ra và thường bàn những thứ “đại sự” ở ngoài trời lúc đi dạo) nhưng chưa bao giờ người phiên dịch thấy Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trút cơn thịnh nộ lên đối phương như buổi sáng xuân Paris ấy!

Vẫn mồn một trong tâm trí người phiên dịch, có lúc Lê Đức Thọ cầm cây bút chì chĩa về phía Kissinger. Còn Kissinger, có lúc lặng lẽ, mồm ngậm ngang cây bút chì cặp mắt mở to sau cặp kính ngồi nghe Lê Đức Thọ “giảng”!

Lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở lật lọng... Thôi thì đủ cả! Kissinger, “đạo diễn” chính của cuộc thảm sát bằng B52 dân lành Khâm Thiên, An Dương... chỉ biết cúi đầu đứng nghe. Mãi sau ông ta mới lắp bắp.

Rượu nếp cái hoa vàng cho Kissinger ảnh 1

Người về từ Paris

“Tôi có nghe thấy những tính từ... Tôi xin không dùng những tính từ đó ở đây. Xin ông cố vấn nói khe khẽ thôi không các nhà báo ngoài kia nghe được lại đưa tin là ông mắng chúng tôi!”.

Lê Đức Thọ vẫn không buông tha với tư thế của người chiến thắng.

“Đó là tôi chỉ mới nói một phần chứ còn các nhà báo họ còn dùng nhiều từ nặng hơn nữa kia!”.

Hình như trong qui ước nghề nghiệp có qui định người phiên dịch đành một nhẽ là trung thực khách quan trong khi chuyển ngữ mà ít khi được cho phép lộ ra ái, hỉ, ố, nộ , lạc... nhưng ông tâm sự thực là quá đã khi phải cố nén tâm trạng của mình lại không phải lần ấy mà nhiều lần khác khi thấy Lê Đức Thọ chỉ cho Kissinger những hố bom B52 chi chít từ sân bay Nội Bài khi đón ông ta về Hà Nội.

Thời điểm thăm Viện Bảo tàng Lịch sử, khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam ba lần chiến thắng quân Nguyên thì Kissinger cúi gằm xuống, giơ hai tay ra “với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!”.

Rượu nếp cái hoa vàng cho Kissinger ảnh 2

Thầy trò Lê Đức Thọ, Nguyễn Đình Phương đón Kissinger tại sân bay Nội Bài tháng 1/1973

Trong bữa cơm tiễn thưởng thức thứ rượu nếp cái hoa vàng cất ở vùng quê Nam Định của Cố vấn Lê Đức Thọ, Kissinger cứ tấm tắc mãi... Ông ta tỏ ra hoan hỉ thực sự khi Cố vấn Lê Đức Thọ nói với văn phòng tặng cho ông ta hai chai sáu lăm đựng thứ lửa nồng nàn nhưng trong văn vắt nút lá chuối khô ấy!

Tôi hỏi người lính già Nguyễn Đình Phương trong trận đàm đánh ở Paris ấy, cuộc nào là “căng” nhất thì ông cười “cuộc nào mà chả căng! Anh em trong đoàn đàm phán nói vui là đoàn có ông Sáu Thọ, thọ là lâu dài lại có ông Phó đoàn Hà Văn Lâu, cũng là lâu dài nên nhiệm vụ ở Paris phải là trường kỳ kháng chiến!”.

Nhưng có một phiên như ông cho hay là “căng” nhất hai bên soạn thảo những điểm cơ bản trong Hiệp định.

Đó là ngày 11/10/1972.

Từ 9 giờ sáng ngày 11 kéo một mạch đến 2 giờ sáng hôm sau mà như Kissinger đã ghi trong hồi ký.

“Nói là thương lượng một mạch 16 giờ liền nhưng trên thực tế là 22 giờ đồng hồ”.

“Quân” của cả hai bên thi thoảng phải ra ngoài dùng cà phê đặc hoặc hút thuốc, nhưng Lê Đức Thọ trừ những lúc đi vệ sinh còn liên tục ngồi đấu lý với Kissinger!

Vẫn mồn một trong tâm trí người phiên dịch, có lúc Lê Đức Thọ cầm cây bút chì chĩa về phía Kissinger. Còn Kissinger, có lúc lặng lẽ, mồm ngậm ngang cây bút chì cặp mắt mở to sau cặp kính ngồi nghe Lê Đức Thọ “giảng”!

Có những lúc như thế này.

Kissinger “Ông Cố vấn qua Bắc Kinh và Matxcơva chắc có nghe các bạn của ngài thông báo về ý kiến chúng tôi trong cuộc đàm phán này!?” (Đây có lẽ là một trong những thời điểm khó khăn về ngoại giao của ta sau cuộc thăm của Nixon sang Trung Quốc và Liên Xô). Lê Đức Thọ đáp ngay trước sự khiêu khích ấy “Chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội của các ông ở chiến trường và cũng chính chúng tôi đã đàm phán với các ông trên bàn Hội nghị. Các bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi. Nhưng không làm thay chúng tôi được!”.

Lại có một lúc khác “ Bây giờ ông Cố vấn đàm phán với tôi, nói như mắng tôi. Thế còn sau này kết thúc đàm phán chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình rồi thì ông Cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?” Lê Đức Thọ điềm nhiên “Xin ngài chớ nặng lời lúc tôi trình bày với ngài. Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt lật lọng tráo trở đâu mà tôi phải mắng!” Lê Đức Thọ không phải “cương” quá hay nóng mà rất mềm dẻo uyển chuyển. Chẳng hạn cái câu trong Điều I của Hiệp định Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và các quyền dân tộc độc lập cơ bản của nhân dân Việt Nam... Kissinger mặt nhăn lại “Thưa ông Cố vấn, Hoa Kỳ chưa bao giờ ký một Hiệp định ràng buộc như vậy!”. Tức thì Lê Đức Thọ “nối” luôn bằng cách thêm vào ba từ Hoa Kỳ và các nước... thì Kissinger “OK”.

Cũng như khi soạn thảo tên của Hiệp định, Lê Đức Thọ đã bỏ cho Kissinger hai từ Xâm lược mà ông ta thấy “sái” đó là Hiệp định chấm dứt chiến tranh xâm lược lập lại hoà bình ở Việt Nam thành Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Có một việc mà ông thấy lạ là Hội nghị Paris họp được 7 tháng, bên Hoa Kỳ mới cử sang một phiên dịch tên là Engel. Đó là một người năm ấy chừng hơn 30 tuổi, nói tiếng Việt giọng… Nam Bộ! Thì ra anh chàng được đào tạo tiếng Việt ở Sài Gòn... Nhiều buổi Engel phải mang cả từ điển vào vì dùng thuật ngữ chính trị chưa “nhuyễn” lắm nhưng vốn từ tiếng Việt về sinh hoạt thì rất chi là thạo!

... Căn phòng ngủ kiêm nơi làm việc tiếp khách của phiên dịch Nguyễn Đình Phương trong trận đánh - đàm Paris năm ấy có vẻ hơi bề bộn. Các loại sách tài liệu, thứ tiếng Anh, thứ tiếng Pháp từ trên giá tràn xuống, đậu chi chít trên hai chiếc ghế lớn ghép lại được coi là bàn. Thứ bề bộn của những người lấy sự mê say công việc làm trọng và thứ nữa, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ thân yêu... Xong Hội nghị Paris, ông về công tác ở Bộ Ngoại giao. Đang ở cương vị Vụ trưởng Tây Bắc Âu, ông được kiêm thêm chức bằng việc làm đại sứ kiêm nhiệm ở các nước Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Aixơlen... Giữa những năm tám mươi, ông đưa vợ sang theo tiêu chuẩn vì bao năm vợ chồng ông cứ biền biệt như thế... Vợ ông bảo chồng cứ sang trước còn mình thu xếp việc nhà ít bữa nữa sẽ qua. Ngờ đâu một trận cảm nặng đã cướp mất bà... Từ ấy đến lúc về hưu năm 1992, ông cứ vò võ như thế. May mà tổ ấm của 4 người con, hai trai với hai gái cùng 7 đứa cháu đã giúp ông trụ lại trong cái thành phố này...

Tin liên quan