50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử, Bài 6: Chuyện người phiên dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm đã xa, tôi may mắn được ngồi với ông già người manh mảnh… Nguyễn Ðình Phương, cái tên chừng như “lọt thỏm’’ trong bể sự kiện cuộc hòa đàm Paris. Cũng phải thôi, hình như ít khi “sử’’ chép người phiên dịch trong những sự kiện trọng đại?
50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử, Bài 6: Chuyện người phiên dịch ảnh 1
Người mà Lê Ðức Thọ và H. Kissinger đều cần, phiên dịch Nguyễn Ðình Phương (mang kính, đứng giữa)

Ông không chỉ là phiên dịch mà còn là người trực tiếp chứng kiến một sự kiện hiếm hoi trong những trang sử ngoại giao kiệt xuất của nước Nam ta: phiên dịch chính cho những cuộc đàm phán, những cuộc gặp riêng giữa Xuân Thủy và Hariman và sau đó là các cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger suốt từ năm 1968 cho đến mùa xuân năm 1973!

Ông bước vào ngạch ngoại giao từ năm 1948, bắt đầu từ ngày tham gia trong tổ công tác Ban cán sự của bộ đội Thượng Lào. Đơn vị ông có nhiệm vụ đặc biệt gây dựng đội ngũ cán bộ và phong trào cơ sở cấp huyện cho bạn. Xiềng Khọ, Khang Khay, Sầm Nưa... Những ngả đường Bắc Lào đạn phỉ rình rập và miên man những cơn sốt rét rừng. Công việc hầu như chả dính gì đến cái vốn tiếng Anh mà ông rất thạo từ những năm học ở trường Bưởi.

Mãi cho đến khi về nước cái vốn liếng ngoại ngữ ấy mới được sử dụng phần nào khi ông được bổ sung vào Ban thi hành Hiệp định Genève. Rồi lại bẵng đi cho đến tháng 5/1968 ông được chỉ định là phiên dịch chính cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris.

Sang đến Paris, ông mới biết Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ mới ở chiến trường miền Nam ra theo lệnh của Bác Hồ.

Buổi trưa ngày 3/6/1968, Lê Đức Thọ đến Paris, buổi chiều báo France Soir (Nước Pháp buổi chiều) có bài tường thuật trong bộ quần áo giản dị, ông Lê Đức Thọ có nụ cười của La Joconde...

Và đến Paris, ông mới biết bên cạnh diễn đàn chính của Hội nghị Paris ở Phố Clâybe của ông Xuân Thủy và Hariman, một diễn đàn mới đã bí mật xuất hiện.

Đó là các cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mỗi bên chỉ một hai người. Địa điểm gặp thường xuyên di chuyển và tuyệt đối giữ bí mật!

Hariman đã dọa bom sẽ lại rơi trên đầu các ông!

Xuân Thủy, mặt đanh lại “Ông dọa đấy à? Ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng đánh lại!’’.

Lê Ðức Thọ bình tĩnh “Ông dọa bằng chiến tranh không được đâu! Chúng ta đã đánh nhau nhiều năm rồi còn lạ gì nhau...’’

Hariman ngồi lặng đi một lát rồi lẩm bẩm: “Tôi rút cái câu nói bom lại rơi trên đầu các ông...’’

Ông Nguyễn Đình Phương hồi tưởng lại một cuộc gặp mặt ngày 21/8/1968 giữa Xuân Thủy, Lê Đức Thọ với Hariman mà ông là phiên dịch chính sau 18 phiên họp công khai và bốn cuộc tiếp xúc riêng. Thăm dò và đàm phán là âm hưởng chủ đạo của các cuộc tiếp xúc riêng theo yêu cầu từ nhà của Bộ chính trị.

Đối diện với Xuân Thủy, Lê Đức Thọ là Hariman, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ nổi tiếng là người thương lượng sành sỏi. Hariman từng làm đại diện cho Tổng thống Mỹ Roosevelt làm việc với Stalin và Cyruc Vance (luật sư, giảng viên luật ở đại học Mỹ)

Ấn tượng thêm, Bộ trưởng Xuân Thủy, trong tất cả mọi trường hợp ông luôn xuất hiện nụ cười tươi thường trực. Nhưng hôm đó, nụ cười của Bộ trưởng đã tắt sau cú đấm đánh thình xuống mặt bàn. Đó là khi Hariman đơn phương đòi có đại diện của Việt-Nam Cộng hòa trong đàm phán (thời điểm ấy cục diện chưa thay đổi nên chưa tính đến đại diện của 4 bên trong Hội nghị như sau này mới xuất hiện - XB).

Sau khi ta từ chối thẳng thừng, Hariman đã dọa bom sẽ lại rơi trên đầu các ông!

Xuân Thủy, mặt đanh lại “Ông dọa đấy à? Ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng đánh lại!’’.

Lê Đức Thọ bình tĩnh “Ông dọa bằng chiến tranh không được đâu! Chúng ta đã đánh nhau nhiều năm rồi còn lạ gì nhau...’’

Hariman ngồi lặng đi một lát rồi lẩm bẩm: “Tôi rút cái câu nói bom lại rơi trên đầu các ông...’’

Người lính già đã qua 5 năm đánh và đàm ở mặt trận ngoại giao Paris ấy nở một cái cười sảng khoái rằng “Hai ông Lê Đức Thọ Xuân Thủy quả là lợi hại. Lúc Xuân Thủy “nhu’’ thì Lê Đức Thọ “cương’’ và ngược lại nhưng Lê Đức Thọ đa phần là “cương’’ nhưng cái cương không bao giờ bị gãy vì đúng lúc, vì có lý!’’.

50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử, Bài 6: Chuyện người phiên dịch ảnh 2

Thế hệ vàng của ngoại giao Việt Nam

Tôi hỏi ông Phương, Lê Đức Thọ “cương’’ như thế nào, thì ông cười, chậm rãi, có người nói Lê Đức Thọ gặp Kissinger là ngang sức ngang tài, kẻ tám lạng người nửa cân nhưng Kissinger đã đánh giá nhầm Lê Đức Thọ như sau này trong hồi ký mà ông ta đã bộc bạch...

“Thêm một lần nữa tôi đã đánh giá thấp Lê Đức Thọ. Ông có lối nhào lộn ngoại giao duyên dáng. Ông không hề lay chuyển trong cách định nghĩa khu phi quân sự...’’

“Tóc hoa râm, đường bệ... Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán hoặc marông. Đôi mắt to và sáng. Ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi 16 tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp... Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của một người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như hạ cố...’’

Khuôn mặt tròn, đôi môi rất dày nước da ngăm ngăm thân hình vạm vỡ cứ như một nhà thể thao và cặp kính cận đặc biệt dày! Kissinger chỉ “lộ’’ ra phần trí thức và ngoại giao khi trên bàn đàm phán... Khi tôi nói lại với người phiên dịch nhận xét đó của nhiều nhà ngoại giao thì ông cười, cũng na ná như thế.

Có một chi tiết chắc Kissinger không ghi vào hồi ký là ngón tay nhẫn của Lê Đức Thọ cứ bóng sáng và nổi bật lên chiếc nhẫn gò từ mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc!

Ông đang nhấn nhá thêm với tôi ấn tượng về cái ngày mồng 8 tháng Giêng năm 1973 khi bàn đàm phán Paris được nối lại sau trận Điện Biên Phủ trên không.

Như mọi người đã biết, sau cú lật lọng của Mỹ nên Hiệp định đã hoàn tất ngày 20/10/1972 đã không được ký kết.

Mỹ muốn xóa bỏ Hiệp định và bắt ta phải thay đổi nhiều điều khoản bằng việc bất ngờ dùng B52 tập kích Hà Nội, Hải Phòng.

Trong 12 ngày đêm ác liệt máu lửa ấy, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã có mặt trong căn hầm đặc biệt ở ngay trong sân rồng ở Điện Kính Thiên cùng làm việc với Bộ Chính trị...

Ba ngày đêm liền Cố vấn bị sốt cao... Chắc trong những đêm ác liệt ấy Cố vấn đã suy ngẫm nhiều về sự tráo trở lật lọng của kẻ thù. Còn người phiên dịch của Cố vấn và anh em trong đoàn đàm phán vẫn bình yên vô sự ở Paris...

Nhưng “thân tại Paris tâm tại... Hà Nội” ông Phương và anh em trong đoàn ngay lập tức biết được tình hình chiến sự qua theo dõi trực tiếp từ các hãng thông tấn phương Tây khi đó có mặt tại thủ đô của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Riêng ông Phương lòng dạ bời bời bởi bom B52 rải thảm Khâm Thiên tức cũng gần nhà ông khi đó ở Bà Triệu.

Rồi cũng rất nhanh, ông biết được tin Nixon đơn phương tuyên bố ngừng bom, nối lại cuộc hòa đàm Paris...

MỚI - NÓNG