50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 2): Giữ vững lập trường đàm phán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam với nền ngoại giao lão luyện của Mỹ, một siêu cường hàng đầu thế giới. Việc ký kết Hiệp định Paris là kết quả thắng lợi cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở hai miền đất nước, đã tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Những bước đi đầu tiên

Bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên đại sứ Việt Nam tại Chile, là con gái đại sứ Hà Văn Lâu. Tháng 8 năm ngoái, tôi có dịp gặp bà tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), khi bà đại diện cho gia đình đến đây để bàn giao những tài liệu, kỷ vật của đại sứ Hà Văn Lâu cho cơ quan có trách nhiệm lưu giữ. Trong số này, có những tài liệu liên quan đến cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris mà ông Hà Văn Lâu là một thành viên tham gia.

Sau cuộc gặp trên, tôi liên hệ với bà Hà để hỏi thêm về những hoạt động của đại sứ Hà Văn Lâu tại Hội nghị Paris năm xưa. Bà Hà cho biết: “Khi còn sống, ba tôi đã nói về cuộc đời mình để nhà văn Trần Công Tấn viết cuốn sách “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”. Đây là cuốn hồi ký của cha tôi, khi đọc trong đó coi như nghe ba tôi kể chuyện vậy”. Rồi bà Hà cho tôi xem cuốn sách trên, trong đó có một phần khá dày dặn về Hội nghị Paris được đại sứ Hà Văn Lâu kể lại.

50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 2): Giữ vững lập trường đàm phán ảnh 1

Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới tham dự Hội nghị Paris. Ảnh: T.L

Trong cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu kể, khi Hội nghị Paris sắp diễn ra, Chính phủ ta đã cử một đoàn đàm phán gồm 37 người do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm trưởng đoàn; đại tá Hà Văn Lâu (nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu) làm phó đoàn; ngoài ra còn có các thành viên như Trần Công Tường (Thứ trưởng Bộ Tư pháp), Phan Hiền (Vụ trưởng Vụ báo chí, Bộ Ngoại giao), Nguyễn Minh Vỹ (Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin)… Về phía Mỹ đã cử ông Averell Harriman, một nhà thương lượng lão luyện làm trưởng đoàn; Cyrus Vance, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter; Philip Habib, một chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Việt Nam… Trước khi Hội nghị Paris diễn ra, ngày 7/5/1968, Phó trưởng đoàn đàm phán Hà Văn Lâu cùng ông Nguyễn Minh Vỹ được cử sang Paris để tiền trạm, chuẩn bị chỗ ăn ở cho Đoàn ta. Đã biết ông Hà Văn Lâu từ Hội nghị Genève diễn ra 14 năm trước, các phóng viên quốc tế đồng loạt hỏi: “Thưa ngài đại tá, đến dự hội nghị này, ngài có lạc quan không?”. Phó Trưởng đoàn Hà Văn Lâu trả lời: “Người cách mạng luôn luôn lạc quan”. Sau đó, có nhóm phóng viên phương Tây trích dẫn câu nói trên nhưng lại bỏ đi cụm từ “Người cách mạng”. “Nghe ba tôi kể lại, vì chuyện này mà ông bị nhắc nhở nhẹ nhàng. Khi đó, tôi mạnh dạn nhận xét, ba nói thế là đúng, con thấy người cách mạng phải luôn lạc quan, luôn phải nghĩ sẽ chiến thắng kẻ thù, đó chính là động lực để chiến đấu. Nghe vậy, ba chỉ cười và xoa đầu tôi”, bà Ngọc Hà cho biết.

Cầm thư giới thiệu của đồng chí Lê Đức Thọ, Phó Trưởng đoàn Hà Văn Lâu đến gặp ông Mác-se, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp để liên hệ công việc. Ông Mác-se nhiệt tình tiếp đón, hứa sẽ dành cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa toàn bộ khu nhà của Trường Đảng cao cấp mang tên Mô-rít Tô-rê ở thị trấn Soady-Lơ-Roa (Choisy le Roi) để ở. Ông Mác-se hỏi: “Các đồng chí Việt Nam định họp trong bao lâu?”, ông Hà Văn Lâu trả lời: “Đảng chúng tôi chưa định rõ thời gian cụ thể, nhưng ít nhất cũng từ vài tuần đến vài tháng”. Nhưng đâu ngờ, Hội nghị Paris sau đó đã kéo dài gần 5 năm, trở thành cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngành ngoại giao. Và để dành chỗ ở cho đoàn ta, sau kỳ nghỉ hè năm đó, các học viên của trường Mô-rít Tô-rê phải chia thành nhiều bộ phận và ở rải rác nhiều nơi tại thị trấn Soady-Lơ-Roa để học tập gần 5 năm liền.

Sáng 1/11/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy họp toàn đoàn đàm phán, nhấn mạnh việc Mỹ chấp thuận yêu cầu của ta là thắng lợi của nhân dân cả nước, của phe XHCN, của các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Đó là thắng lợi của đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết của quân và dân hai miền Nam-Bắc, của tinh thần chiến đấu bất khuất của cả dân tộc.

Mỹ phải ngừng ném bom sau đàm phán

Ngày 10/5/1968, Phó Trưởng đoàn Hà Văn Lâu gặp đại diện đoàn Mỹ để hai bên trao cho nhau danh sách của đoàn đàm phán và thống nhất ngày họp đầu tiên. Ngày 13/5/1968, tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Xuân Thủy phát biểu trước, lên án Mỹ vi phạm Hiệp định Genève năm 1954, gây chiến tranh khắp Việt Nam. Bộ trưởng Xuân Thủy nêu rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam. Trước mắt, Đoàn ta yêu cầu Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đạt được mục đích trên mới bàn những vấn đề khác liên quan đến hai bên.

50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 2): Giữ vững lập trường đàm phán ảnh 2

Bộ trưởng Xuân Thủy (thứ 2 phải sang) và đại sứ Hà Văn Lâu (thứ 3) tại Hội nghị Paris. Ảnh: T.L

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Harriman đọc bài chuẩn bị sẵn, nói miền Bắc vi phạm Hiệp định Genève, xâm lược miền Nam. Mỹ đến vì tự do, hòa bình và giúp miền Nam chống xâm lược (?!). Cuộc họp đầu tiên này đã kéo dài trong 5 giờ, nhưng đây mới là khúc dạo đầu để Trưởng đoàn Xuân Thủy buộc tội Mỹ xâm lược Việt Nam. Còn Harriman chỉ tìm cách “đỡ đòn” bằng cách nhai lại điệp khúc sở dĩ Mỹ vào Việt Nam là để giúp chính quyền Ngô Đình Diệm chống lại miền Bắc xâm lược miền Nam.

Sau cuộc gặp đầu tiên trên, hai bên tiếp tục đàm phán kéo dài đến tháng 10/1968 với 27 phiên họp công khai và 15 phiên họp kín. Với các cuộc họp công khai, chỉ là dịp để mỗi bên trình bày lập trường của mình mà chẳng có mục đích thương lượng. Về phía Việt Nam, ta xác định ở đây có 3 mục tiêu: tranh thủ sự đồng tình của dư luận và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta; phân hóa và cô lập đối phương để giành thắng lợi trên trường quốc tế; yêu cầu Mỹ chấm dứt vô điều kiện việc ném bom, đánh phá miền Bắc để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

Cuối cùng, lập trường kiên định của ta đã có kết quả. Tối 30/10/1968, phía Mỹ liên lạc và đề nghị cuộc gặp với đại diện Đoàn đàm phán của ta vào hôm sau. Ngày 31/10/1968, trong cuộc gặp, phía Mỹ chấp thuận yêu cầu của ta là chấm dứt các cuộc chiến bằng không quân, hải quân và mọi hành động khác liên quan đến việc sử dụng vũ lực trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu từ 1/11/1968.

MỚI - NÓNG