50 năm Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 5): Người y tế trưởng ở Paris năm ấy

0:00 / 0:00
0:00
TP - 4 giờ sáng, tin nhắn của một người bạn, mẹ của Thủy vừa mất… Nguyễn Thu Thủy là bạn chung của Khóa 17 Khoa Văn, Ðại học Tổng hợp chúng tôi. Mẹ của Thủy, cụ bà Ðoàn Cẩm Nhung, những năm xa ấy là người chuyên trách y tế của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Bà còn là bác sĩ riêng của Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình. Cụ vừa rời cõi tạm, thọ 94 tuổi.
50 năm Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 5): Người y tế trưởng ở Paris năm ấy ảnh 1
Hai má con

...Khóa 17 năm ấy có một sự lạ. Chẳng hiểu đám con gái kiếm đâu ra bộ áo dài màu tím Huế. Áo dài thuở những năm đầu 70 ấy là thứ hiếm. Mà chẳng hay tác giả là ai? Hình như chả phải sở hữu của chị nào. Cứ lần lượt mỗi đứa diện mỗi hôm. Lứa nữ hồi ấy tất tật đều thanh mảnh, gọi khác đi của sự gầy gò nên đứa nào bận bộ áo dài màu tím ấy vô ngó đều hợp và đâm nổi trội hẳn lên.

Mãi sau việc mới phát lộ. Tà áo dài màu tím Huế ấy có xuất xứ từ Nguyễn Thu Thủy. Mà cũng chả phải! Của má Thủy. Bà vừa trở về từ Paris sau nhiều năm phục vụ ở Hội nghị. Đám con gái về chơi nhà Thủy. Những ánh mắt trong trẻo thuở ấy ánh lên vẻ trầm trồ thán phục khi chứng kiến mẹ Thủy, ngoài bộ áo dài màu tím Huế còn có 2 chiếc áo dài khác nữa. Mẹ Thủy cười cho hay, ngoài bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn thường bận áo dài dân tộc khi dự các cuộc họp, mấy chị em trong Đoàn còn được cấp kinh phí để thửa cho mỗi người một hai bộ.

Công nhận đám chị em có tình bạn rất bền. Hồi còn công tác hay sau này nghỉ hưu nhiều chị em mỗi khi vào thành phố Hồ Chí Minh đều ghé nhà Thủy. Má Thủy coi đám Độ, Dung, Sánh, Bùi Lan Hoa, Hương nhớn, Hương con, Mỹ Bình… như con cháu trong nhà. Thân thiết bện quện. Có nhiều chuyện mà má Thủy chỉ kể riêng cho đám bạn của con nghe. Khi nghe thuật lại Thủy mới ớ ra…

Cô bé Thủy theo ba má tập kết ra Bắc. Được học hành trưởng thành trên đất Bắc, Thủy cũng cảm nhận được từ những người con tập kết những nhung nhớ, day dứt dằn vặt nỗi Ngày Bắc đêm Nam. Má Thủy công tác ở Ban Thống nhất Trung ương. Má Thủy cùng gia đình là sợi dây bền chặt nối cái tình quê hương miền Nam. Những bữa cải thiện hiếm hoi bằng tiêu chuẩn tem phiếu thời bao cấp rất khó khăn nhưng bản tính tháo vát má Thủy vẫn gắng xoay xỏa được. Các phi công người Nam bộ Nguyễn Văn Bảy (A) quê ở Đồng Tháp Sa Đéc, Nguyễn Văn Bảy B quê ở Cà Mau, Lâm Văn Lích quê miệt Bạc Liêu… thường dịp ngày nghỉ hay chủ nhật vẫn kéo nhau về bà chị Năm Nam bộ ở nơi sơ tán tụ họp. Bữa ăn chỉ vài thức quê chút canh chua cá lóc hay cháo vịt ngon bá cháy qua bàn tay khéo léo của bà chị chủ nhà chỉ là cái cớ cho những người con xa quê tụ lại. Có dịp họ quây quần hàng buổi bên chị Năm y tá (chị đã là bác sĩ nhưng anh em đồng hương Nam bộ vẫn kêu thân thương bằng cái tên Chị Năm Y tá) quê ở Cái Bè Tiền Giang sẻ chia tâm sự. Căn nhà bé nhỏ của gia đình Thủy ngày ấy đã oang oang chất giọng Nam bộ của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (A) anh hùng LLVT.

Rồi căn nhà chị Năm khách khứa vắng hoe. Nghe đâu chị Năm Cẩm Nhung đi làm nhiệm vụ bí mật. Sau mới hay chị tham gia trong đoàn đàm phán ở Paris.

…Bà bạn Thu Thủy lần ấy bộc bạch với đám chúng tôi tình cảm tâm trạng của những thành viên trong phái đoàn đàm phán đã từng Ngày Bắc đêm Nam rồi kế tiếp là dằng dặc lê thê những Ngày Tây đêm Việt. Tâm trạng ấy khiến tôi liên tưởng đến những người mẹ, người chị, người vợ ở miền Bắc những năm chiến tranh bời bời bom đạn Mỹ. Cũng luôn thường trực những canh cánh âu lo thắc thỏm về người thân của mình đang cận kề cái chết ở các chiến trường.

Mỗi khi nhớ chồng, con, nhất là vào những ngày Tết, các bà các chị chỉ còn biết lặng lẽ kìm nén … Lúc đầu, anh chị em trong đoàn đều nghĩ cuộc đàm phán này chắc sẽ mất khoảng một năm hoặc hơn một chút, chứ không ai nghĩ nó sẽ kéo dài đến gần 5 năm!

Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán, các thành viên đã giành trọn niềm tin cho vị Trưởng phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là ông Trần Bửu Kiếm và sau này là bà Nguyễn Thị Bình. Liền mấy cái Tết, các bà các chị đều không có mặt bên cạnh chồng con, mà phải bận công cán ở xứ người.

Bà Bình, madame Bình, chị Bình. Bà Bộ trưởng Ngoại giao tài năng, phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng. Nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện ấn tượng. Người khi lâm trận luôn thường trực những phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng. Ấn tượng hơn trong các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn… Có cuộc họp báo quốc tế tới 400 nhà báo, hoặc rất nhiều lần truyền hình trực tiếp, bà phải trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) với hàng chục phóng viên Pháp, Mỹ.

50 năm Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (bài 5): Người y tế trưởng ở Paris năm ấy ảnh 2
Má Cẩm Nhung và con gái trong một sự kiện

Lần ấy, báo chí phương Tây khẩn khoản đòi quay phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của bà trưởng đoàn và thành viên phái đoàn. Nhưng bà Bình đã khéo léo từ chối rằng tục lệ ở Việt Nam, cái gì riêng tư của phụ nữ là không được công khai. Nói vậy chứ thực ra phải từ chối vì chỗ ở của Đoàn mình tuềnh toàng quá, nghèo nàn quá. Sau này, nhiều người đến tham quan nơi đoàn ở khi đó, chứng kiến nơi sinh hoạt làm việc của bà cũng như của cả đoàn, họ đã rất cảm động.

Là người gần gũi bà Trưởng đoàn, chỉ có má Cẩm Nhung mới biết được vị Trưởng đoàn luôn canh cánh nỗi nhớ chồng, con ở quê nhà. Khi bà Bình sang Paris, cậu con trai lớn của bà mới 8 tuổi, còn con nhỏ mới chỉ lên 4 tuổi, cái tuổi đang rất cần vòng tay chăm sóc, yêu thương của người mẹ. Tình thế cũng kẹt cũng khó khăn gian nan như má Cẩm Nhung của Thủy vậy. Các em còn đang lít nhít phải bám vô ba…

Mỗi khi nhớ chồng, con, nhất là vào những ngày Tết, các bà các chị chỉ còn biết lặng lẽ kìm nén… Lúc đầu, anh chị em trong đoàn đều nghĩ cuộc đàm phán này chắc sẽ mất khoảng một năm hoặc hơn một chút, chứ không ai nghĩ nó sẽ kéo dài đến gần 5 năm!

Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973, nhưng bà Bình và anh chị em trong Đoàn vẫn phải ở lại Paris để hoàn tất nhiều việc. Mãi đến tháng 4/1973, Đoàn mới được trở về Việt Nam. Và hình như sau thời điểm đó tà áo dài màu tím Huế của má Năm Cẩm Nhung mới có dịp xuất hiện ở khu ký túc xá Khoa văn ĐHTH của Khóa 17 chúng tôi!

… Con trai con gái đủ cả. Nhưng má Cẩm Nhung cứ đòi ở với con gái Thu Thủy vì thấy hạp. Má yêu cây cảnh, Thủy cải tạo cái sân thượng biến nó thành khoảnh vườn con con trồng thứ sen Phật mà má rất ưng và nhiều loại cây khác. Mỗi lần lên sân, mà má kêu là lên núi thấy người khỏe khoắn ra. Thủy thường đưa má đi gặp những người bạn của má trong Đoàn đàm phán năm xa ấy.

Rồi má yếu dần. Thủy nghĩ ra cái cách độc đáo phục hồi trí nhớ cho má. Thủy trộn những hột đậu màu sắc khác nhau rồi biểu má ngồi lựa. Thủy nói thác đó là việc của Thủy, má gắng giúp con gái nha!

Người chiến sĩ Cẩm Nhung trong mặt trận đánh - đàm Paris năm ấy đã lặng lẽ rời cõi tạm hơn tuần nay.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPO - Xôn xao clip tố CSGT đạp xe người vi phạm; Công an TPHCM theo dõi sát 'hội vỡ nợ muốn làm liều'; Trường Quốc tế phát sách tả cảnh gợi dục cho học sinh; 16 học sinh ngộ độc đều ăn sushi trước trường, Sở Y tế TPHCM ra khuyến cáo,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.