50 năm, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử (Bài 3):

Chuyện của người cháu nhà ngoại giao Xuân Thủy

0:00 / 0:00
0:00
TP - …Độ giữa đông năm 1977, tại Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương, Chi đoàn thanh niên báo Tiền Phong chúng tôi xúm tay tổ chức một đám cưới. Chú rể là phóng viên Nguyễn Ngọc Báu đẹp duyên cùng cô dâu Đào Thị Như Vịnh là giảng viên Đại học (ĐH) Sư phạm.

Phòng họp lớn của cơ quan chật ních khách phải tràn cả xuống sân. Khách nhà trai có một vị VIP là ông Xuân Thủy, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông Xuân Thủy là bác ruột Nguyễn Ngọc Báu.

Chuyện của người cháu nhà ngoại giao Xuân Thủy ảnh 1

Bộ trưởng Xuân Thủy (bìa trái) trong ngày cưới của Ngọc Báu - Như Vịnh

Bạn đọc từng làm quen với phóng viên (PV) Nguyễn Ngọc Báu qua nhiều bài viết những năm tháng là PV Ban trường học, từng 10 năm là phóng viên của Hãng thông tấn Ba Lan (PAP) tại Hà Nội và sau này trở về báo phụ trách ấn phẩm Tri Thức Trẻ của báo. Rồi con gái Ngọc Thu kết quả cuộc hôn nhân năm ấy nay là nhân viên của tòa báo khi bố đã về hưu là cả một câu chuyện dài…

Mùa hè năm 1973, Bộ trưởng Xuân Thủy danh tiếng như cồn sau cuộc ký kết hòa đàm Ba Lê đã có một tuần làm khách mời đặc biệt của Nhà nước và Bộ Ngoại giao Ba Lan. Nguyễn Ngọc Báu khi đó là sinh viên văn khoa năm thứ 4 Đại học tổng hợp Vacsava. Cậu cháu khi ấy đang nghỉ hè được ông bác Xuân Thủy đón về nhà khách của Bộ ngoại giao Ba Lan. Chừng như để thẩm định kết quả học tập cũng như năng khiếu viết lách của cậu cháu, ông bác Xuân Thủy bất ngờ giao việc, rằng, tất tật những hoạt động suốt cả một tuần của ông ở Ba Lan, cậu cháu phải thực thi việc ghi chép lại!

Cứ như một thư ký riêng tập sự, theo hầu ông bác được ké suất thượng khách nhưng Ngọc Báu lo lắm. Không biết phải ghi chép viết lách ra làm sao đây? Đúng như Báu đã lường, cầm tập giấy với những dòng ghi chép của cậu cháu, ông bác cười thế này chỉ đạt điểm 2 trên 10 thôi!

Rồi đêm đó ông bác bất ngờ lấy từ va li ra một chồng giấy gáy lò xo các trang kín đặc chữ màu xanh đen ngay ngắn vốn cố hữu trước nay của chính Bộ trưởng Xuân Thủy!

Chuyện của người cháu nhà ngoại giao Xuân Thủy ảnh 2

Quang cảnh họp báo ở Hội nghị Paris

Ngọc Báu ngạc nhiên khi tiếp cận chồng tài liệu. Đó là những tờ khổ A4 được đóng thành từng tập. Hóa ra đây là những dòng nhật ký của Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị Paris bắt đầu từ ngày ông được giao trọng trách phụ trách đoàn đàm phán của Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH). Đây là những dòng sự kiện ông trực tiếp biên chép khởi đầu từ 7/5/1968, ngày lên đường sang Paris.

Tiếng là cháu ruột, nhưng mãi đến tận khi ấy, Ngọc Báu mới mục sở thị kiểu chữ viết tuy là nhật ký nhưng không hề tháu mà chân phương ngay ngắn của ông bác mình. Lại nữa, cách viết rất ngắn gọn nhưng khá sinh động.

Cẩn thận trao lại cho tôi tập tài liệu là những trang nhật ký được photocopy, cựu phóng viên Nguyễn Ngọc Báu giọng tâm tư rằng không hiểu sao cho đến thời điểm này số trang của tập nhật ký Hội nghị Paris của ông bác chỉ còn mong mỏng thế này?

Tôi đón lấy tập tài liệu.

Nhật ký Hội nghị Paris lịch sử của Bộ trưởng Xuân Thủy bắt đầu được ghi từ 7/5/1968. Và dừng lại ngày 5/7/1969.

Chất giọng Ngọc Báu như tiếc rẻ cho biết, suốt cả một tuần, thời gian ông bác Xuân Thủy thăm Ba Lan, Ngọc Báu đã ghi chép khá tỷ mỷ công phu là thế nhưng sau này tập ấy chả thấy đâu!

Nguyễn Ngọc Báu chất giọng chắc khừ rằng thời điểm được tiếp cận với tập nhật ký của ông bác có đầy đủ sự kiện được Bộ trưởng Xuân Thủy ghi đến tận thời điểm ký kết Hiệp định tháng Giêng năm 1973! Ngọc Báu khẳng định thêm, với bản tính cẩn trọng, chu tất và thói quen ghi nhật ký, không bao giờ ông bác mình để xổng để phí các tình tiết diễn biến từ năm 1969 cho đến đầu năm 1973 với hàng loạt sự kiện đáng chú ý như thế?

Như đoạn cuối ông Xuân Thủy ghi lại lần về Hà Nội rồi trở lại Pháp.

5-7-69. Tới Paris. Sân bay Le Bourger. Buổi trưa. Nắng. Các anh Bộ, Lâu, chị Bình đã có mặt. Những cái hôn thân thiết. Trong phòng khách sân bay có đủ anh chị em hai Đoàn. Các cơ quan, Việt kiều. Đại sứ Liên Xô. ĐSQ Trung Quốc. Nhà báo, quay phim chờ sẵn…

Không thấy triệu chứng gì của việc kết thúc nhật ký?

Biết chia sẻ với ông bạn Ngọc Báu thế nào đây? Có thể nhiều cuốn của tập nhật ký ấy đã bị thất lạc ở khâu nào đó? Hoặc còn lưu giữ đâu đó?

Nhà ngoại giao Xuân Thủy mất đột ngột khi ông đang viết dở đoạn hồi ký về các thời Báo Cứu Quốc do ông từng làm chủ nhiệm.

Có cuộc bàn giao tài liệu giữa ông với các cơ quan có trách nhiệm nào không? Ông cháu Nguyễn Ngọc Báu chỉ may mắn thừa hưởng phần nhật ký còn lại này từ tay người con trai cả của ông Xuân Thủy là Nguyễn Trọng Uyên (đã mất) và GS.TS Nguyễn Trọng Yêm. Và tại thời điểm đó tập nhật ký cũng đã trong tình trạng mỏng, thiếu như vậy?

Chưa có cái cần thì tạm bằng lòng với cái đang có vậy!

Trước tôi là những con chữ của nhà ngoại giao Xuân Thủy từ nửa thế kỷ trước.

Xin trích đoạn không khí phiên họp đầu tiên của cuộc Hội đàm Paris.

…13-5-68

Mười giờ trong đoàn ai nấy đã âu phục chỉnh tề (âu phục màu đen theo thời trang Paris. Áo ve nhỏ ba khuy. Quần ống không rộng, giày da đen mũi nhọn) Xuân Thủy đi đầu với Phương phiên dịch, Bắc bảo vệ. Các nhà báo đã chờ sẵn ở chân thang máy và cửa ra vào.

Xin ngài cho biết cảm tưởng phiên họp đầu tiên? Ý nghĩ của ngài bây giờ là gì? Ngài định nói gì tại phiên khai mạc này?

Xuân Thủy chỉ cười cảm ơn, chưa có gì để nói.

Ngoài đường hai bên hè quần chúng xúm đông vẫy tay.

Xe Xuân Thủy (kiểu mới nhất của Pháp) cắm cờ đỏ sao vàng. Xe thứ hai Cố vấn Bộ trưởng đại sứ Hà Văn Lâu. Cố vấn Bộ trưởng, nghị sĩ Nguyễn Minh Vỹ. Xe thứ ba cố vấn người phát ngôn Nguyễn Thành Lê cố vấn Đại sứ Phan Hiền. Tiếp theo là những xe nhân viên. Hộ tống đoàn có 4 xe mô tô, hai xe hơi của cảnh sát Pháp. Còi hú vang.

Nơi họp ở cạnh Khải Hoàn Môn là ngôi nhà nhiều tầng cổ kính mang tên Trung tâm Hội nghị quốc tế.

Người hai bên đường đông nghịt. Tất cả phải đứng phía sau hàng rào sắt trước lối đi vào nhà Hội nghị. Cảnh sát xếp thành hàng đứng hai bên. Hai người gác cửa mang găng tay trắng, mặc áo đuôi tôm đen, một lễ tân cũng áo đuôi tôm đen và hai nhân viên lễ tân Bộ Ngoại giao dẫn đoàn vào phòng hội nghị.

Phòng họp rộng hình chữ nhật. Bàn họp cũng kê hình chữ nhật. Mặt bàn trải thảm dạ xanh. Bốn bên có lối đi rộng. Hai đầu chăng dây ngăn. Một bên cho nhà báo quay phim nhiếp ảnh.

Đoàn Mỹ đến sau 2 phút. Đại sứ lưu động Hariman Đại diện Tổng thống Mỹ, đại sứ Vance đại diện thứ hai của Tổng thống Mỹ và một số nhân vật khác...

Cẩn thận trao lại cho tôi tập tài liệu là những trang nhật ký được photocopy, cựu phóng viên Nguyễn Ngọc Báu giọng tâm tư rằng không hiểu sao cho đến thời điểm này số trang của tập nhật ký Hội nghị Paris của ông bác chỉ còn mong mỏng thế này?

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG