Rửa bát cũng phải có... 'đầu'

Rửa bát cũng phải có... 'đầu'
TP - Mới ngày nào chúng ta cười Michael Jackson “sạch sẽ đến bệnh hoạn” khi không dám chạm vào nắm đấm cửa và nút thang máy, thì bây giờ một cuộc cách mạng liên quan đến nắm đấm cửa và nút thang máy đang được nhiều người thực thi.

Đó là: dùng khuỷu tay để bấm thang máy, lau tay nắm cửa rồi mới chạm vào. Đi đâu thủ sẵn khăn ướt và khăn khô để còn thao tác.

Rửa tay, rửa tay và rửa tay. Cho nên “vũ điệu rửa tay” của Quang Đăng hưởng ứng ca khúc của Khắc Hưng do Erik và Min thể hiện xuất sắc, có gây sốt toàn cầu cũng đáng thôi. Dù nó chỉ là bản cover.

Trong gia đình, tôi cũng bị họ hàng cho là “bệnh hoạn” khi cứ rửa tay cả ngày. Mệnh Thiên hà thủy nên tôi “yêu nước” theo nghĩa đen. Từ thời bao cấp, bà dì ruột đã phàn nàn rằng đến nhà tôi ăn uống và nấu nướng thì rất khổ, phải nhớ chậu nào rửa rau chậu nào rửa mặt chậu nào giặt giũ. Bà gắt lên “Ai mà nhớ nổi, phải viết lên thành chậu ấy”. Không phân biệt đâu ra đấy thì chả nhẽ chậu giặt quần áo lại đi vo gạo ư? (Hồi đó không sẵn vòi nước và máy giặt như bây giờ).

Rửa bát cũng phải có... 'đầu' ảnh 1

Áp phích cổ động “Ngày rửa tay toàn cầu” của Liên Hợp Quốc

Còn rửa bát cũng phải có đầu (óc), là vì rửa bát nếu không khoa học, thì lãng phí nước lại không sạch. Tôi hạn chế ăn nhà hàng vì biết thừa cách mà người ta rửa bát, rửa rau. Chậu rửa bát dùng để rửa cốc là không được rồi nhé. Và rất nhiều người quan niệm cốc, ly uống bia, uống nước thì việc gì phải oánh xà phòng hoặc nước rửa chuyên dụng. Họ quên rằng cốc đó ly đó ta uống trong bữa ăn hoặc vừa ăn xong, miệng mình mỡ màng tanh tao thịt cá tôm, ngậm vào cốc mà lại chỉ cần tráng qua quít thôi sao?

Một trong những niềm “mong mỏi” của tôi là từ mùa đại dịch này trở đi, đừng ai ngoáy, nhúng đũa vào nồi canh hoặc nồi lẩu nữa, khi đi ăn chung ở nhà hàng hoặc tiệc cưới. Gọi là tiết mục “rửa đũa”. Từ lâu, thấy ai dùng đũa riêng để gắp thức ăn ở bát canh hoặc nồi lẩu chung là tôi từ chối món đó luôn. Cũng có lúc nhắc nhẹ: “Đây là đũa, muôi chuyên dùng cho nồi lẩu này, mọi người chú ý không cho đũa của mình vào nhé”, nhưng rồi có lúc chán, lờ nhắc và thôi ăn.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hồi đương nhiệm có lúc tôi không thích lắm, xử lý khủng hoảng truyền thông kém. Nhưng tôi thực sự tôn trọng khi bà phát biểu: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn nghĩa là giám đốc ở bẩn. Khoa nào không có bồn rửa tay nghĩa là trưởng khoa ở bẩn”. Từ 2018 bà triển khai đề án xây các bệnh viện xanh- sạch- đẹp, song song đổi mới thái độ của cán bộ nhân viên y tế. “Đến bệnh viện nào từ tỉnh, huyện, trạm y tế xã tôi cũng kiểm tra nhà vệ sinh”. Theo bà, câu chuyện xung quanh nhà vệ sinh “tuy nhỏ nhưng quyết định chất lượng cơ sở y tế”.

Ít năm trước, có tin có một tạp chí chuyên về nhà vệ sinh ra mắt, nhiều người cười rũ, bảo là hết chuyện rồi hay sao mà lại chọn lĩnh vực cao quý thế. Giờ này tôi chẳng thấy có gì đáng cười ở đây.

Và hóa ra không chỉ có “Ngày Vệ sinh Thế giới” vào 19/11 hàng năm, bắt đầu từ 2013, mà còn có cả “Ngày rửa tay toàn cầu” (Global Handwashing Day) với slogan: “Nước rửa tay cho mọi người” (Clean Hands For All) vào 15/10 hàng năm. Với những hoạt động thiết thực do Liên Hợp Quốc chủ soái. Càng thiết thực và nên phổ biến rộng rãi từ mùa đại dịch này, để mọi người hưởng ứng nhiệt tình, nhỉ.

Hãy chuẩn hóa quan niệm về sạch-bẩn. Dạy trẻ nhỏ và luyện cho mình những thói quen tốt, từ những việc như đánh răng đúng cách, rửa tay đúng cách, hắt hơi ý tứ, uống bia rượu đừng lái xe đã đành và cũng khỏi bắt tay luôn. Triệt tiêu những thói xấu như khạc nhổ nơi công cộng, và vô số thói tật gây hại khác nữa. Trông thế nhưng không nhỏ đâu. Nhà văn Bá Dương từng chơi một chương riêng về tật khạc nhổ của người Trung Quốc, tật này càng nổi tiếng cách đây mấy năm, khi dân Paris đồng loạt phàn nàn du khách Trung Quốc khạc nhổ vô tư ra sao khi du ngoạn thủ đô của họ.

Sạch sẽ chính là văn minh. Mà văn minh là thứ cần học cả đời. Từ mùa đại dich năm nay, càng thấy rằng những việc, những thói quen mà lâu nay chúng ta không coi trọng, thì bây giờ lại quan thiết đến sức khỏe, tính mạng của chúng ta. Thậm chí biểu hiện cả nhân cách nữa.

MỚI - NÓNG