Rắc rối khi hoãn cưới, hủy tour vì dịch COVID -19

Nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy tiệc cưới, tour du lịch. Tuy nhiên, việc hoàn tiền cọc không được chấp nhận.
Nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy tiệc cưới, tour du lịch. Tuy nhiên, việc hoàn tiền cọc không được chấp nhận.
TPO - Lo lắng vì dịch bệnh, nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy tiệc cưới, tour du lịch. Tuy nhiên, việc hoàn tiền cọc không được chấp nhận. Luật sư cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng, hai bên cần thương lượng.

Hoãn cưới, hủy tour vì dịch 

 Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều gia đình muốn hủy tiệc cưới đã đặt trước đó. Nhưng oái oăm xảy ra khi hủy hợp đồng đặt tiệc khách hàng không được trả lại số tiền đặt cọc. Theo kế hoạch ngày 11/8 cặp đôi S.H – K.T (ở Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ tổ chức tiệc báo hỷ tại trung tâm tiệc cưới tại quận Hà Đông. Ngày 22/7, cặp đôi này đã đến ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tiệc cưới với đơn vị tổ chức tiệc cưới nêu trên. Tổng giá trị tạm tính là khoảng 36 triệu đồng (giá trị thực tế sẽ được tính sau buổi tiệc, khách hang đặt cọc là 10 triệu đồng). Sau khi ký hợp đồng, khách hàng phải thanh toán 70% giá trị hợp đồng. Đáng chú ý, về điều kiện hủy, hoãn hợp đồng chỉ nêu số tiền bị phạt khi hủy hợp đồng, không nhắc đến tiền cọc và các yếu tố bất khả kháng như bão lũ, dịch bệnh…

Rắc rối khi hoãn cưới, hủy tour vì dịch COVID -19 ảnh 1 Nhiều khách hàng đặt tiền khách sạn, vé máy bay trên các dịch vụ du lịch trực tuyến với số tiền hàng chục triệu đồng nhưng khi bị hủy thì chưa biết liên hệ với ai để lấy lại tiền. 

“Thời điểm này, dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều người gia đình lo lắng. Mặc dù muốn nhưng cả gia đình và nhà hàng đều không tổ chức tiệc được. Tôi có đến nhà hàng yêu cầu trả lại tiền cọc nhưng phía nhà hàng nhất quyết không trả. Nhà hàng đưa ra phương án là dời tiệc cưới trong thời hạn 1 năm. Thế nhưng bên tôi muốn lấy lại cọc chứ không có dời ngày vì làm sao biết khi nào hết dịch”, chị KTbày tỏ. Cuối cùng, chị KT đành xin lãnh đạo cơ quan, thống nhất với đơn vị tổ chức chuyển tiệc cưới về hội trường của cơ quan.

Chị Nguyễn Thùy Dung ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, kế hoạch ngày 2/8, 5 người (2 người lớn, 3 trẻ nhỏ) trong gia đình chị tổ chức đi Đà Lạt (Lâm Đồng) cho các con đi trại hè học tiếng Anh đến 11/8 thì xong. Gia đình đặt vé máy bay đi về hết khoảng 10 triệu đồng. Nhưng khi dịch bùng phát, gia đình đành hoãn kế hoạch và làm thủ tục xin hoàn vé. Tuy nhiên, Đà Lạt không phải là nơi thực hiện giãn cách nên việc hoàn vé của gia đình chị không thể thực hiện. “Vé máy bay đặt rồi không thể hoàn. Gia đình quyết định giãn thời gian, mất phí lùi thời điểm bay. Sau hai lần đổi ngày bay tốn thêm hơn 2 triệu đồng, gần bằng tiền mua vé mới mà không biết khi nào mới hết dịch. Đến giờ cả gia đình muốn bỏ chuyến đi này”- chị Dung cho biết.

Nhiều khách hàng đặt tiền khách sạn, vé máy bay trên các dịch vụ du lịch trực tuyến với số tiền hàng chục triệu đồng nhưng khi bị hủy thì chưa biết liên hệ với ai để lấy lại tiền. Thậm chí, có khách hàng đặt vé đi Đà Nẵng ngày 2/8 với số tiền lên đến 70 triệu đồng nhưng khi bị hủy thì không thể liên lạc với cty dịch vụ trực tuyến để lấy lại tiền cọc, đành đưa thông tin lên mạng xã hội để hỏi cách xử lý.

Sự kiện bất khả kháng cần thỏa thuận

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Giám đốc Cty CP Liên minh Du lịch Toàn Cầu cho biết, bản thân có lịch đi du lịch tại Đà Nẵng nhưng cũng bị hủy và được dời lịch sang thời gian tới chứ không được hoàn tiền.

“Đến thời điểm này, có đến 70% khách hàng của công ty tôi đã hủy các tour du lịch. Kể cả các vùng chưa có lệnh giãn cách các tour du lịch vẫn diễn ra bình thường nhưng có nhiều khách cẩn thận, muốn hoãn hủy để phòng dịch. Để giải quyết việc này, các công ty lữ hành sẽ cố gắng làm việc với các đối tác, hãng hàng không, khu lưu trú để có phương án hỗ trợ cho khách. Phương án tối ưu hiện nay là hoãn các booking và tiền khách đặt sẽ cấn trừ trong booking sau khi chọn ngày khác. Bởi khi khách đặt cọc tiền, các công ty lữ hành cũng đã đặt cọc với đối tác”- bà Thanh cho hay.

Bà Thanh cho biết thêm, nhiều công ty vẫn có những đơn hàng hoàn tiền trước 15 ngày, 30 ngày nhưng rất ít. Bởi vừa qua, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn kích cầu, nhiều công ty doanh nghiệp ra giá rất ưu đãi hoặc tặng phiếu quà tặng với điều kiện không hoàn tiền. Tương tự, trên trang Agoda (nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến và các dịch vụ có liên quan) có những ưu đãi phòng cùng hạng, giá rẻ hơn nhưng bao giờ cũng kèm điều kiện không hoàn tiền.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà, Cty Luật TNHH Luật Gia Vũ cho biết, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự thì những sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết thì được coi là sự kiện bất khả kháng. Hiện nay dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã có các yêu cầu không tụ tập đông người dừng hoạt động lễ hội, quán bar… để phòng, chống dịch.

“Các giao kết hợp đồng không thực hiện được do ảnh hưởng của dịch là trường hợp bất khả kháng. Việc không thực hiện tiếp hợp đồng đặt cọc trong trường hợp này không phải lỗi của ai, là một sự kiện bất khả kháng. Đối với đơn vị kinh doanh cũng không nên vì một lợi ích nhỏ để ép khách hàng và khách hàng cũng cần có những khoản chi phí về giấy tờ, điện thoại cho người thực hiện. Vì thế, hai bên nên thỏa thuận xử lý tiền đặt cọc, mỗi bên chịu thiệt một chút”, Ls Hà nói.

MỚI - NÓNG