Quyết định dũng cảm

Quyết định dũng cảm
TP - Có một cái gì đó rất giống nhau giữa 2 lần từ chức của nguyên TTK VFF khóa IV Phạm Ngọc Viễn với ông Trần Quốc Tuấn. Cả hai đều được coi là những người có năng lực nhất bộ máy, giỏi quan hệ quốc tế, nhưng đều phải ra đi để đảm bảo an toàn cho những người ở lại.

> Chuyên gia bóng đá với quyết định từ chức của TTK VFF

Gần 7 năm trước, ông Phạm Ngọc Viễn phải rời ngôi nhà VFF, rời cái trụ sở mà chính ông xin được 400.000 USD từ FIFA để xây dựng cơ ngơi thuộc loại khang trang nhất trong các LĐBĐ ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Viễn ra đi không thanh thản với đầy nỗi oan. Trong vụ Letard, chính ông là người ngăn cản Thường vụ VFF khi bàn đến điều khoản thanh lý hợp đồng, nhưng ý kiến thiểu số của ông không được chấp nhận. Về sau, chính ông Viễn là người duy nhất bị buộc phải nhận lỗi dù ông đã cảnh báo Thường vụ VFF, nhưng không được lắng nghe. Khi đó, an ủi duy nhất của ông Viễn là dù sao việc mình ra đi cũng có ích là giúp cho những người ở lại được yên.

Bảy năm sau, câu chuyện của TTK Trần Quốc Tuấn cũng từa tựa. Ông Tuấn cũng là người có công với công tác đối ngoại của VFF. Lúc mới bắt đầu nhiệm kỳ, ông tiến sĩ học ở Nga về này phát âm tiếng Anh còn chưa rành, nhưng chỉ sau 1-2 năm phải dựa vào “chiến hữu” Lê Hoài Anh (Chánh VP VFF - PV) trong các cuộc đối ngoại, ông Tuấn đã tự đào tạo để đứng vững và phát triển mạnh ở “đấu trường” này.

Dần dần, ông Tuấn tự phát triển và tạo được mối quan hệ thân quen với nhiều LĐBĐ QG khác. Chẳng hạn, Ủy viên BCH FIFA Worawi Makudi quý ông Tuấn như người trong nhà nên mỗi khi VFF cần đến ĐT Thái Lan sang dự giải của VFF tổ chức là LĐBĐ Thái lại nhiệt tình giúp đỡ. Bằng uy tín cá nhân, ông Tuấn cũng giúp cho ông Dương Vũ Lâm được làm Phó Chủ tịch AFF và phụ trách mảng rất quan trọng của tổ chức này là trọng tài. Nhờ đó mà VN ít phải chịu tai tiếng về vấn đề trọng tài hơn trước.

Bản thân ông Tuấn cũng trở thành người VN đầu tiên trúng cử BCH AFC và đảm nhiệm nhiều vị trí của tổ chức này. Trong suốt hơn 6 năm ngồi ghế TTK, ông Tuấn góp công lớn để cải thiện công tác quản lý ở VFF hoạt động chuyên nghiệp hơn hẳn các khóa trước.

Ai cũng nghĩ chiếc ghế chủ tịch VFF khi ông Nguyễn Trọng Hỷ nghỉ sẽ được dành cho ông Tuấn, nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ. Rất nhạy bén trong các mối quan hệ quốc tế, nhưng ông Tuấn ít chú trọng mảng đối nội, nhất là mắc phải cái tật “ít khi cởi lòng với báo giới, trả lời phỏng vấn mà như không trả lời”.

Mỗi khi ĐT U.23 VN thất bại là ông cũng “lặn” luôn khiến báo giới tìm mỏi mắt. Thế nên, dù được người bên trong đánh giá cao, nhưng hình ảnh của ông trong dư luận là người “ưa núp gió, không thể hiện được dấu ấn”.

Trong thất bại của ĐT U.23 VN, nếu buộc cho ông Tuấn cái tội để dẫn đến phải từ chức thì hơi oan, bởi với vai trưởng đoàn ông khó có tác động về chuyên môn. Ông Tuấn phải ra đi để cứu cho những người ở lại bớt sóng gió. Thế nên, nhiều người đã gọi đó là quyết định dũng cảm dù nhìn bề ngoài thì chuyện ra đi đó là tất yếu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG