Dẹp rau bẩn vì uy tín địa phương
Bà Trần Thị Hợp, Phó Chủ tịch xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) rất bức xúc khi nói về Cty RAT Ba Chữ đang đóng trên địa bàn xã. Làm việc với PV Tiền Phong chiều 26/1, bà Hợp cho biết: Gần đây, khi báo chí phản ánh hành vi gian dối, đánh lừa người tiêu dùng của Cty RAT Ba Chữ khiến chúng tôi “bực mình”, không hài lòng về Cty này. Thực tế, thời gian qua, Cty RAT Ba Chữ đã cung cấp rau cho hàng loạt siêu thị lớn như Big C, Metro, Lotte Đống Đa,…
“Đây không phải lần đầu cơ quan báo chí phát hiện ra Cty làm ăn gian dối tại Vân Nội. Năm trước có HTX RAT số 5, năm nay có rau Ba Chữ khiến chúng tôi rất đau đầu. Đây là những con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu vùng RAT Vân Nội”, bà Hợp nói.
Bà Hợp cho biết thêm, diện tích vùng trồng rau tại Vân Nội đủ điều kiện sản xuất RAT hơn 100ha. Hiện xã đang quản lý 12 HTX, 3 Cty sản xuất, tiêu thụ RAT. Địa phương có trách nhiệm giám sát khâu sản xuất.
“Một đơn vị có thể vì lợi nhuận sẵn sàng làm những việc gian dối. Sau đợt này, chúng tôi sẽ mời tất cả những đơn vị sản xuất, cung ứng RAT tại Vân Nội lên để quán triệt, nhắc nhở, không để xảy ra như trường hợp của Cty RAT Ba Chữ”- bà Hợp nói.
Lãnh đạo xã Vân Nội đề xuất: “Chúng tôi mong cơ quan có nhu cầu về RAT như: siêu thị, trường học... phải đưa ra quy định chặt chẽ hơn với đơn vị cung cấp rau. Ví dụ mùa vụ này, chúng tôi có bao nhiêu chủng loại, anh phải về kiểm tra nắm được để nhập rau. Đừng để xẩy ra hiện tượng mùa vụ này không có nhưng các đơn vị đưa hàng vào siêu thị vẫn cung ứng đầy đủ”.
“Nếu có chuyện các siêu thị đang móc ngoặc với nhà cung cấp để bán sản phẩm không nguồn gốc thì “rất đáng trách”. Dựa trên thông tin báo chí phản ánh, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm của đơn vị kinh doanh gian dối”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, Vân Nội là một trong những vựa RAT lớn, nổi tiếng của huyện cũng như của Hà Nội. Những vụ việc làm ăn nhập nhèm như vừa rồi của Cty RAT Ba Chữ làm ảnh hưởng đến uy tín của cả vùng rau lớn của địa phương. “Chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ những thông tin báo phản ánh. Những đơn vị làm ăn gian dối, lấy rau không rõ nguồn gốc gắn mác rau Vân Nội, đặc biệt là vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm, phải được xử lý nghiêm”- ông Châm nói.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nói sẽ có “biện pháp mạnh” để “nắn” những đơn vị sản xuất, cung ứng RAT, tránh để xảy ra những “ông Ba Chữ” tiếp theo. Đặc biệt, 12 HTX và 3 Cty sản xuất, buôn bán RAT ở Vân Nội sẽ được đưa vào “tầm ngắm”, giám sát chặt chẽ.
Nên tẩy chay nơi kinh doanh gian dối
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nếu có chuyện các siêu thị đang móc ngoặc với nhà cung cấp để bán sản phẩm không nguồn gốc thì rất đáng trách. Dựa trên thông tin báo chí phản ánh, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm của đơn vị kinh doanh gian dối.
Ông Hùng cho biết, gần đây, cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Chẳng hạn, vụ 10 tấn thực phẩm chức năng xuất xứ Trung Quốc, sau đó về đóng gói bán với mác sản phẩm cao cấp xuất xứ Đức, Nhật, Mỹ; hay nấm kim châm Trung Quốc ghi sản xuất ở Việt Nam là điều không chấp nhận được.
Một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, nếu các siêu thị không tự soát lại nguồn hàng, cứ nhập nhèm nguồn gốc, tem nhãn, tốt nhất là người tiêu dùng nên tẩy chay, không mua rau ở siêu thị đó nữa. “Với những ông gian lận thương mại, những cơ quan như quản lý thị trường, công an kinh tế cần vào cuộc, điều tra làm rõ, đặc biệt là lượng rau cung cấp, nguồn ở đâu, hóa đơn chứng từ ra sao…”- vị này nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng cần làm rõ siêu thị có tiếp tay để gian lận thương mại hay không. “Nếu có chuyện nhân viên siêu thị móc ngoặc với đơn vị cung cấp, cần làm rõ để xử lý cả hai”, ông Phú nói.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, trong vụ việc này, trách nhiệm quản lý, giám sát đầu tiên thuộc về Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương. Đối với sản phẩm bán cho người tiêu dùng không đúng chất lượng, hay có nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng đều bị xử phạt.
“Mỗi đơn vị có chế tài xử phạt khác nhau tùy vào mức độ sai phạm. Tuy nhiên, với góc độ an toàn thực phẩm, mức xử phạt có thể lên gấp 7 lần giá trị sản phẩm sai phạm hoặc sản phẩm cố tình làm ảnh hưởng đến tính mạng con người có thể truy tố trước pháp luật” - đại diện đơn vị nói.
Post by Báo Tiền Phong.