Quy trình huấn luyện nữ phi công quân sự Trung Quốc

Một nữ phi công lái máy bay ném bom JH-7 của Trung Quốc. Ảnh: Không quân Trung Quốc.
Một nữ phi công lái máy bay ném bom JH-7 của Trung Quốc. Ảnh: Không quân Trung Quốc.
Các nữ phi công Trung Quốc phải trải qua quá trình huấn luyện dài hơi, khắc nghiệt để mang trên mình vinh dự "tài sản quốc gia".

Dư Húc, nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc tử nạn khi đang bay huấn luyện hôm 12/11, là tổn thất lớn của không quân nước này, theo People's Daily.

Nữ phi công quân sự 30 tuổi này sinh ra ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là thành viên đội bay nhào lộn 1/8 của không quân Trung Quốc. Cô là một trong số ít nữ phi công có thể lái các chiến đấu cơ sản xuất nội địa.

Trước khi trở thành phi công, Dư và 15 nữ đồng đội khác phải trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, được truyền thông Trung Quốc coi là "vạn người chọn một" để trở thành "tài sản quốc gia".

Vạn người chọn một

Trung Quốc bắt đầu tuyển chọn nữ phi công quân sự từ năm 2005. Đến năm 2009, khoảng 200.000 ứng viên tại 12 tỉnh đến Bắc Kinh dự tuyển cho đội bay trình diễn. Dư Húc là một trong số 35 cô gái được tuyển làm học viên phi công trong đợt này.

Quy trình huấn luyện nữ phi công quân sự Trung Quốc ảnh 1

Các nữ phi công lái máy bay chiến đấu Trung Quốc phải trải qua các bài tập thể lực khắc nghiệt. Ảnh: Không quân Trung Quốc.

Thông thường, các nữ học viên phi công sẽ nhập học tại Đại học Không quân Trung Quốc hoặc Học viện Phi công. Ngày họ nhập học là ngày bắt đầu tính tuổi quân, gia đình học viên cũng được hưởng các chính sách dành cho người thân của quân nhân.

Dù được miễn toàn bộ học phí, các nữ học viên phi công Trung Quốc phải trải qua khóa huấn luyện rất khắc nghiệt. Do đặc thù lái máy bay chiến đấu, họ phải liên tục luyện tập, thực hành các dòng chiến đấu cơ mới, thích nghi với hệ thống vũ khí.

Mỗi ngày, các nữ học viên phi công phải tham gia huấn luyện ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Do đặc thù giới tính, phần cơ nửa trên cơ thể, cơ cổ của nữ phi công yếu hơn các phi công nam, trong khi lực ép khi tăng tốc máy bay tối đa có thể lên tới 9G, nên các nữ phi công phải rèn luyện rất khắc khổ để tốt nghiệp.

Mỗi ngày họ đều dậy từ 4-5h sáng, cất cánh lúc 6-7h, trưa học lý thuyết, chiều tối ôn luyện, mức độ tiêu hao cơ bắp và trí não khá lớn. Mỗi lần bay, họ có thể phải chịu lực ép 5G, sức ép tương đương 5 lần trọng lượng cơ thể.

"Nếu không có tinh thần thép, sẽ không bao giờ qua được các bài tập", Hà Hiểu Lê, nữ phi công từng trình diễn tại Thiên An Môn năm 2010, cho biết. Hà là nữ phi công từng lập kỷ lục bay hơn 4,5 tiếng mà không có phản ứng phụ, thách thức khiến không ít nam đồng nghiệp chưa thể vượt qua.

Khóa của Dư Húc chỉ có 16 người tốt nghiệp sau 4 năm huấn luyện để trở thành các nữ phi công tiêm kích đầu tiên của Trung Quốc. Dư cũng là một trong 4 nữ phi công Trung Quốc có thể lái chiến đấu cơ thế hệ thứ ba.

Mức lương phi công quân sự mới ra trường được cho là khoảng 4.000 nhân dân tệ (hơn 583 USD) mỗi tháng. Ngoài ra, phi công còn được hưởng trợ cấp tính theo giờ bay. Thu nhập của phi công quân sự cao hơn các binh chủng khác, là niềm mơ ước của nhiều quân nhân, theo trang QQ.com.

'Dùng vàng đắp lên'

Bởi quá trình huấn luyện rất khắt khe và tốn kém, người Trung Quốc coi mỗi phi công như một "tài sản quốc gia" quý giá, được "dùng vàng đắp lên".

Phi công quân sự nữ như Dư Húc lại càng được coi là tài sản quý giá. Trong quá trình huấn luyện, các cô được hưởng chế độ ăn tốt nhất có thể trong quân đội, mỗi năm được điều dưỡng một tháng. Những người độc thân được cấp nhà ở với đầy đủ tiện nghi, còn nếu kết hôn, chồng của họ có thể lập tức được nhập ngũ, được ưu tiên sắp xếp công việc và nhà ở.

Phi công lái các dòng chiến đấu cơ J-10, J-11, và J-11B như Dư được hưởng phụ cấp 900 nhân dân tệ cho mỗi giờ bay. Cộng thêm các khoản ưu đãi khác, tổng thu nhập cả năm của một phi công lái máy bay chiến đấu Trung Quốc là 110.000-300.000 nhân dân tệ (16.146-44.036 USD).

Việc mất đi một nữ phi công quý giá như Dư Húc được coi là cú sốc lớn đối với không quân Trung Quốc. Cô được cho là tử nạn sau khi chiếc J-10 va chạm với một máy bay khác trong quá trình huấn luyện. Sau khi nhảy dù ra ngoài, cô bị va vào cánh phụ của máy bay kia và không qua khỏi.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhiều phi công nữ nhất. Nước này đã đào tạo 9 khóa phi công với 545 học viên nữ, 328 người đã tốt nghiệp.

Hiện nay, không quân Trung Quốc có 52 nữ phi công, lái máy bay vận tải, chiến đấu cơ hoặc hướng dẫn bay. Ngoài Trung Quốc, hiện có khoảng 16 nước khác cũng sử dụng nữ phi công lái máy bay quân sự như Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Israel..

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG